Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày hôm qua - 14 /3 cho thấy, không có một địa phương nào đạt ngưỡng điểm 65 dành cho tỉnh có chất lượng điều hành Rất tốt. Hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra trong điều tra PCI.
Hiện tượng Đồng Tháp
Báo cáo PCI năm 2012 là kết quả điều tra năm thứ 8 liên tiếp, với sự tham gia của 5.053 doanh nghiệp trong cả nước. Báo cáo PCI được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Đồng Tháp đứng đầu bảng xếp hạng |
Báo cáo năm nay không ít bất ngờ. PCI 2012 ghi nhận một hiện tượng ngoạn mục: lần đầu tiên Đồng Tháp đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp theo là An Giang. Tỉnh đứng đầu năm ngoái - Lào Cai – năm nay xếp vị trí thứ ba. Hai tỉnh còn lại trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu về chất lượng điều hành là Long An và Bắc Ninh.
Bình Định và Vĩnh Long dù tụt hạng trong năm 2011 nhưng năm nay đã lấy lại được phong độ của những năm trước đó. Trong khi điểm số của các tỉnh luôn dẫn đầu như Bình Dương và Đà Nẵng lại giảm rõ rệt.
Các thành phố Hải Phòng và Hà Nội - những địa phương nhận được sự quan tâm đặc biệt của công luận – đều tụt hạng. Hà Nội tụt 15 bậc từ vị trí thứ 36 năm 2011 xuống vị trí thứ 51, trong khi Hải Phòng tụt từ vị trí 45 xuống 50. Điểm sáng đáng chú ý nhất của nhóm các địa phương kinh tế đầu tàu là Tp.HCM tăng được 7 bậc, từ vị trí thứ 20 (năm 2011) lên 13 trong bảng xếp hạng.
42% DN đã hối lộ để giành được hợp đồng
Theo Ban điều tra, điểm số PCI năm 2012 đã sụt giảm mạnh so với năm ngoái, từ 59,15 điểm xuống còn 56,2 điểm – số điểm thấp nhất kể từ khi quy chuẩn lại điểm số của năm 2009. Không có một địa phương nào đạt ngưỡng điểm 65 dành cho tỉnh có chất lượng điều hành Rất tốt. Hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra trong điều tra PCI.
Theo đáng giá từ kết quả nghiên cứu, sau khi sử dụng phương pháp khoa học để tìm hiểu những thông tin nhạy cảm cho thấy, có 42% doanh nghiệp thừa nhận đã trả hoa hồng cho cán bộ có liên quan để đảm bảo giành được hợp đồng với cơ quan nhà nước - tỷ lệ này tăng mạnh so với năm 2011.
Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hối lộ trong mua sắm công rất khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, mức độ tăng trưởng, mối quan hệ của doanh nghiệp, ngành nghề và mức độ tập trung của ngành. Doanh nghiệp tăng trưởng tốt có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là doanh nghiệp thực hiện hoạt động này có nhiều khả năng phát triển hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn.
Doanh nghiệp sụt giảm niềm tin
Cơ quan thực hiện khảo sát cho biết hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sụt giảm chưa từng thấy. Cả quy mô đầu tư và lao động của doanh nghiệp đều sụt giảm nghiêm trọng. Chưa đến 60% trong số đó báo lãi, bên cạnh 21% báo lỗ. Một điểm đáng chú ý khác là các doanh nghiệp trên cả nước đều bày tỏ sự kém lạc quan về triển vọng kinh tế.
Tỷ lệ này chỉ đạt 33%, thấp hơn nhiều so với mức 76% trước thời điểm vào WTO và là tỷ lệ thấp nhất trong những năm gần đây. Điều này thể hiện tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, nhưng cũng cho thấy lãnh đạo các tỉnh cần tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển.
Tính toán trong báo cáo này cũng chỉ ra rằng, tại các địa phương có lãnh đạo chính quyền năng động, tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi cao hơn 8%, tỷ lệ báo lỗ thấp hơn 5% và tỷ lệ doanh nghiệp dự định mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới cao hơn 3%.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, doanh nghiệp cho rằng giá đền bù đất đai chưa phù hợp với thực tế. Doanh nghiệp cũng giảm niềm tin và ít sử dụng các thiết chế pháp lý địa phương để giải quyết tranh chấp, ít sử dụng và chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: Chỉ số PCI tiếp tục là công cụ quan trọng giúp chính quyền cấp tỉnh hiểu rõ hơn về hiệu quả điều hành kinh tế cũng như khuyến nghị cách thức cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy đẩu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm và phát triển kinh tế.
H.Thủy