Doanh nghiệp triển khai mô hình “3 tại chỗ”: Sớm xây dựng và công khai các phương án y tế

(PLVN) -  Trước những lúng túng trong việc triển khai mô hình “3 tại chỗ” (3T-ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính vừa có kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ...
Một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chuẩn bị thực hiện mô hình 3T.

Bắc Giang và Bắc Ninh áp dụng hiệu quả mô hình 3T

Theo Ban IV, mục tiêu thực hiện 3T trong các nhà máy là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, nhiều nhà máy không đáp ứng được yêu cầu này và đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động trong thời gian quá ngắn, hoặc do công năng thiết kế trước đó của các nhà máy cũng hạn chế, không sẵn sàng cho việc chứa đựng hoạt động ăn, ở, ngủ nghỉ thời gian dài của hàng trăm, hàng nghìn con người.

Mặc dù vậy, tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, mô hình này đã được vận hành tương đối hiệu quả, bằng sự tuân thủ nghiêm của DN với các hướng dẫn về phòng chống dịch và sự hỗ trợ sát sao của các cấp chính quyền trong việc thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, duy trì đường dây nóng từ cấp lãnh đạo cao nhất tới các tổ, đội nhóm ở từng địa bàn, thường xuyên rà soát, đánh giá thực tiễn, nắm bắt các khó khăn vướng mắc của các nhà máy để kịp thời tháo gỡ.

Tại các tỉnh phía Nam, số DN nỗ lực áp dụng 3T cũng không ít vì đây là những khu công nghiệp trọng điểm, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất - xuất khẩu. Tuy nhiên, thông tin nhanh từ các DN, hiệp hội ngành hàng (Dệt May Việt Nam, Điện tử Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chế biến Gỗ & Mỹ nghệ TP.HCM, Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương...) cho thấy, ở một số nhà máy thực hiện 3T đã xuất hiện các ca F0 và nhân lên khá nhanh.

“Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng hết sức quá tải, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối khiến DN và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý...”- Văn bản của Ban IV phản ánh.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, Ban IV cho rằng, chính quyền cấp tỉnh, cấp quận, huyện, thị xã và ngay cả Ban Quản lý khu công nghiệp ở một số địa phương phía Nam đã ban hành các văn bản yêu cầu DN tăng cường xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên, nhưng lại không làm rõ các kịch bản y tế liên quan nên DN càng thêm áp lực vì chi phí xét nghiệm quá lớn mà không đánh giá được cụ thể là hiệu quả bảo vệ sản xuất so với lựa chọn khác ra sao.

Hoặc như tỉnh Tiền Giang, ngay khi DN đã đầu tư nhiều tỷ đồng để thực hiện mô hình 3T thì chính quyền tỉnh lại vừa ra thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với các DN đang áp dụng 3T trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 05/8/2021 khiến DN rơi vào cảnh hết sức bị động, khó khăn.

Phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh

Từ bài học ở Bắc Giang và Bắc Ninh, Ban IV và các Hiệp hội đề xuất, việc áp dụng mô hình 3T nên tính toán thực hiện ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”.

“Như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động thì các nhà máy 3T dù tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi tiến hành vẫn khiến DN gặp rủi ro, khả năng bùng phát bệnh là rất cao...” - Ban IV dẫn chứng.

Ban IV cũng cho rằng một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai 3T để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh là hết sức cần thiết. Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch; đồng thời giúp DN có thể yên tâm vận hành công việc và không bị rơi vào những tình cảnh quá khủng hoảng khi xuất hiện “chùm F0”...

Đề xuất giải pháp, Ban IV cho rằng các địa phương yêu cầu DN thực hiện 3T cần phải xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy 3T và phổ biến trước, thảo luận trước với DN để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó khi thực tiễn phát sinh. Hạn chế tối đa các tình huống DN báo nghi ngờ phát dịch thì hoặc chính quyền chậm trễ kiểm tra, hoặc kiểm tra xong chỉ yêu cầu phong tỏa toàn bộ hàng trăm, hàng nghìn lao động tại một chỗ khiến dịch lan cấp số nhân trong nhà máy, khiến cơ hội xử trí, khắc phục càng trở nên khó khăn hơn.

Đối với những tỉnh phía Nam mà hiện đã xuất hiện các nhà máy 3T có nhân viên, người lao động phát hiện là F0, do lực lượng y tế địa phương cũng tương đối quá tải và chưa lập sẵn quy trình ứng phó chi tiết dẫn tới thực tiễn khó khăn cho cả chính quyền và DN, đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các DN, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo các giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và DN.

Theo tính toán của Ban IV, chi phí xét nghiệm PCR hiện dao động từ 700.000 VNĐ - 1 triệu đồng; chi phí xét nghiệm nhanh trung bình trên 200.000 VNĐ. Chỉ tính riêng nhóm lái xe vận tải hàng hóa là tầm 800.000 người trên cả nước (số liệu ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam), với tần suất xét nghiệm PCR từ 11-15 lần/tháng, chi phí phải bỏ ra của các DN vận tải đã là hàng nghìn tỷ đồng. Chưa kể hàng chục triệu người lao động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác.

Đọc thêm