Doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế

(PLVN) - Đó là  nhận định chung tại Hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” do Bộ KH&ĐT tổ chức chiều nay - 12/3.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì Hội thảo lấy ý kiến vào Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì Hội thảo lấy ý kiến vào Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.

Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, qua gần 35 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết thừa nhận và khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân cũng như hàng loạt những quyết sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Điều này thể hiện ở năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năng suất lao động bình quân của khu vực DN tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực DN nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của DN có vốn đầu tư nước ngoài. 

Cùng với đó, năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; DN chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Hiện tại, chỉ có 10% số DN đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 01 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp; đầu tư của DN cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%); chỉ có khoảng 10,2% DN có đầu tư vào một số hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D).

Trình độ quản trị DN còn thấp. Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, các DN Việt Nam có điểm về quản trị ở mức thấp nhất trong 6 quốc gia. 

Đặc biệt, tính liên kết, hợp tác giữa các DN Việt Nam còn yếu. Các DN Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hiện chỉ có khoảng 21% DN nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số DN FDI đầu tư tại Việt Nam là rất nhiều. 

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, những điểm tồn tại, hạn chế này của khu vực kinh tế tư nhân có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; Môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch; Tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức; Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều trường hợp còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao...

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng cho biết, Bộ đã xây dựng Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”. Mục tiêu chính của Đề án là nhằm đề xuất hệ thống giải pháp đổi mới toàn diện quản lý nhà nước thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. 

“Hội thảo này cũng nhằm lấy ý kiến góp ý của cộng đồng DN, các chuyên gia, các nhà quản lý… để hoàn thiện Đề án...” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đọc thêm