Doanh nghiệp vẫn kêu khó về thủ tục hành chính

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành trong việc đơn giản hóa, điện tử hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, song không ít trường hợp doanh nghiệp “khóc dở, mếu dở” vì vừa điện tử, vừa thủ công.
Doanh nghiệp kỳ vọng được gỡ vướng về thủ tục hành chính. (Ảnh minh hoạ)
Doanh nghiệp kỳ vọng được gỡ vướng về thủ tục hành chính. (Ảnh minh hoạ)

Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn kinh tế số

Tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên” vừa diễn ra, nhiều Hiệp hội DN đã thẳng thắn đề cập đến các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục XNK hiện nay, đặc biệt là vấn đề kiểm tra chuyên ngành (KTCN).

Theo bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương, việc KTCN trong XNK hàng hóa vẫn chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ. “Đã khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp. Đã nộp thuế qua online, nhưng phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan…”- bà Hương phản ánh.

Cũng theo bà Hương, thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản; Các thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan; Chi phí cho lao động tại cảng, giao thông nội địa cao gần gấp đôi so với chi phí cảng biển; Lãi suất vay tăng cao, tỷ giá biến động trong biên độ cao; Hóa đơn đầu vào của các mặt hàng nông dân sản xuất chưa có nên khó khăn cho việc hạch toán chi phí; Nhà nước hiện đang bỏ trống thả lỏng khung giá các loại phí.

Cùng quan điểm, ông Lê Mạnh Cương, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Hải Phòng phản ánh: Hệ thống một cửa quốc gia chưa có sự kết nối đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước: “DN khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng XNK trên cổng thông tin điện tử quốc gia (VNSW) khi cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thì vẫn còn có công đoạn thủ công hoặc là DN in giấy chứng nhận kiểm dịch cầm cho cơ quan hải quan xem hoặc thông báo bằng điện thoại cho công chức hải quan để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống lúc đó tờ khai mới được thông quan…”- Đại diện Hiệp hội DN Logistics Hải Phòng dẫn chứng.

Cũng theo đại diện Hiệp hội DN Logistics Hải Phòng, việc công nhận, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài còn rất hạn chế. Về cơ bản, KTCN hiện nay chưa áp dụng việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong KTCN…

Đặc biệt, công tác cấp C/O đã được cải thiện đơn giản hoá thủ tục cấp chuyển sang điện tử không cấp C/O giấy. Tuy nhiên hiện các DN Logistics đang thực hiện gần hết các công đoạn trong chuỗi cung ứng logistics từ việc khai báo hải quan, kiểm tra chất lượng, xin cấp C/O, kiểm dịch động thực vật. Nhưng hiện nay Hải quan chỉ cho phép bên thứ 3 là Đại lý hải quan thực hiện khai báo bằng chữ ký số của Đại lý hải quan còn lại các bên khác thì không …

Tại Hội nghị, đại diện các Hiệp hội DN bảy tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tăng cường để rút ngắn giai đoạn thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy mạnh mẽ hơn kinh tế số và thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ hoạt động XNK thông qua thương mại điện tử… qua đó thuận lợi cho việc XNK của các DN và minh bạch hóa trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước.

Bàn cách gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) Hoàng Việt Cường chia sẻ, trong 2 tháng đầu năm, số liệu XNK, thu ngân sách đang rất khó khăn, dự báo năm 2023 sẽ khó khăn hơn năm 2022. Điểm lại các kết quả nổi bật thể hiện nỗ lực của ngành Hải quan trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, ông Hoàng Việt Cường cho biết, gần đây TCHQ đã triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. “Đến nay, cơ quan Hải quan đã ký kết với 203 DN. Chương trình nhằm hạn chế DN vi phạm pháp luật Hải quan, tăng tỷ lệ luồng xanh, giảm tỷ lệ luồng vàng, luồng đỏ, qua đó giảm thời gian thông quan cho DN...”- ông Cường nói.

Với 11 ý kiến nhưng có đến 44 vấn đề được phản ảnh tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng DN hiện đang gặp rất nhiều vướng mắc, không chỉ liên quan một ngành, một lĩnh vực, một địa phương… “Các bên cần phải ngồi lại với nhau vì mục tiêu giảm chi phí cho DN. Các bộ, ngành và DN cùng phải ngồi lại để xem phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành vướng ở đâu, vì sao chưa nhanh gọn, chưa cập nhật thông tin, không để tình trạng như DN nói là khai, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu đến; DN đã nộp thuế qua online nhưng phải nộp bản chụp cho hải quan..."- Ông Cường thẳng thắn nhìn nhận.

Thừa nhận KTCN là vấn đề đã “nói nhiều mà chuyển biến chưa được bao nhiêu”, Lãnh đạo TCHQ cho biết, tới đây TCHQ sẽ cùng với VCCI làm việc cụ thể với các bộ ngành liên quan, trước mắt là Bộ NN&PTNT - lĩnh vực đang có nhiều vướng nắc nhất hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Đọc thêm