Chưa được hỗ trợ
Ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết, đến thời điểm này các DN vận tải chưa nhận được hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng.
Theo ông Hoa, trước việc lưu lượng hành khách và hàng hóa giảm sâu, ảnh hưởng đến doanh thu và hoạt động của các DN vận tải, mới đây VATA đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị được hỗ trợ. Theo đó, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu một số gói tín dụng hỗ trợ như hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm 1,5 - 2% lãi suất, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình cho vay.
Với ngành thuế, tài chính, nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ DN như giảm 50% mức thuế VAT, giảm 50% và gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập DN, giảm tiền thuế đất… VATA cũng đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giãn nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) và không tính lãi phạt chậm nộp cho đến khi hết dịch.
Với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính, xem xét áp dụng giảm phí bảo trì đường bộ, giảm phí BOT; đồng thời tăng thời hạn kiểm định ô tô chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng.
Với Bộ Công Thương, VATA đề nghị nghiên cứu các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho DN thông qua việc hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu, giảm mức phí điện, nước…
“Thủ tướng đã chỉ đạo các ngành nghiên cứu hỗ trợ các DN nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì cả”, ông Hoa nói và cho biết, các DN vận tải đang kêu gặp nhiều khó khăn và hiện đang “rất cố gắng”. Hiện Hiệp hội đang tiếp tục nghe ngóng tình hình, sẽ có những kiến nghị tiếp theo nếu các DN vận tải vẫn chưa được hỗ trợ.
Ông Đinh Văn Ba, Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung (VATA) cho biết, đến nay các DN vận tải miền Trung chưa được hỗ trợ gì từ chính sách các cơ quan, ban ngành. Tuy nhiên, sáng 5/3 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã họp với các hội DN ở Đà Nẵng, trong đó có Hội Vận tải để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN. Các DN đã kiến nghị xem xét hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất ngân hàng, BHXH… Thành phố sẽ trình HĐND và tới đây sẽ có cuộc họp đột xuất để bàn các nội dung hỗ trợ DN cụ thể. “Phần nào cần thẩm quyền Chính phủ thì Đà Nẵng cũng sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo giảm như VAT, phí bảo trì đường bộ…”, ông Ba nói và cho biết các DN đang tiếp tục nghe ngóng và mong các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sớm được triển khai thực tế.
Khách giảm 40-60%
Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho biết, hiện nay, lượng khách giảm 50-60% so với trước khi có dịch Covid-19. Dịp sau Tết hàng năm, 20 xe hoạt động du lịch của Cty thường chạy kín lịch đến hết tháng 3. Nhưng nay từ sau Tết, các xe này đang phải dừng hoạt động.
Trong khi đó, tuyến chạy cố định từ Hà Nội – Lào Cai và một số tỉnh phía Bắc giảm một nửa lượng khách. Mỗi tháng, Sao Việt đang phải bù lỗ khoảng 1 tỷ đồng. “Chúng tôi đang rất khó khăn, phải giảm nhân sự và rất nhiều chi phí không cần thiết để cầm cự trước đại dịch Covid-19. Chúng tôi mong những chính sách hỗ trợ sẽ sớm được ban hành để giúp đỡ các DN vận tải”, ông Bằng nói.
Theo ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, riêng trong tháng 2/2020, vận tải hành khách liên tỉnh giảm từ 40-50% so với cùng kỳ tháng 2/2019 (ước đạt 2,6 đến 3,15 triệu hành khách). Trong đó, tại các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm sản lượng giảm từ 30-40%; Bến xe Yên Nghĩa giảm 43%; Bến xe Nước Ngầm giảm 65%.
Cũng trong tháng 2/2020, vận tải hành khách bằng xe taxi tại Hà Nội giảm từ 50-60% so với cùng kỳ (ước đạt 3,6 đến 4,58 triệu hành khách). Ảnh hưởng nhiều nhất chính là các loại hình xe hợp đồng với mức giảm lên tới 70-80% so với cùng kỳ (ước đạt 3,1 đến 4,58 triệu hành khách). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hợp đồng xe đưa đón học sinh, xe chở khách dịp lễ hội Xuân Canh Tý 2020 đã phải hủy bỏ.