Doanh nghiệp viễn thông : Cạnh tranh trên giá cước

Việc các mạng di động cạnh tranh nhau bằng giá cước sẽ tốt hơn  cạnh tranh bằng khuyến mại.

Là DN có thị phần lớn, VNPT đang có nhiều động thái để tiếp tục giảm cước dịch vụ di động, mang lại lợi ích thực chất cho khách hàng, nhất là trong bối cảnh giá cả dịch vụ ngày càng gia tăng.

VNPT đã hai lần có công văn đề nghị Bộ TT&TT cho phép điều chỉnh giảm 10-15% cước di động

Hàng triệu thuê bao hưởng lợi

Từ đầu năm đến nay, VNPT đã hai lần có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho phép VNPT điều chỉnh giảm 10-15% cước di động cho hai mạng MobiFone và Vinaphone. Theo DN này, khi cả hai mạng di động của VNPT đã cung cấp dịch vụ 3G khá ổn định thì việc giảm cước sẽ đem đến cơ hội sử dụng dịch vụ mới cho đông đảo đối tượng khách hàng.

Nóng lòng đợi Bộ TT&TT duyệt đề nghị giảm cước, ngày 30/6 vừa qua, VNPT vừa có công văn tiếp tục đề nghị Bộ TT&TT cho phép giảm cước dịch vụ điện thoại di động theo như phương án đã đề nghị từ đầu năm 2010.

VNPT hiện đang là chủ quản của hai mạng di động Vinaphone và MobiFone, với tổng số thuê bao trên mạng vào khoảng hơn 60 triệu thuê bao di động.

Việc giảm cước di động là phù hợp với định hướng công tác quản lý giá cước viễn thông năm 2010 của Bộ TT&TT quy định và phù hợp với sự chờ đợi của đông đảo người sử dụng dịch vụ. Theo đó, các DN viễn thông xây dựng phương án giá cước dựa theo nguyên tắc chung là giá cước dịch vụ hợp lý, áp dụng đối với người sử dụng và giá cước kết nối giữa các DN viễn thông.

Cạnh tranh trên giá cước

Từ đầu năm 2010, Bộ TT&TT đã cho phép giảm cước kết nối đối với dịch vụ thông tin di động từ 10-15%. Theo đó, khi kết nối trực tiếp đến các mạng di động khác, 3 mạng di động đang khống chế thị phần là Vinaphone, MobiFone, và Viettel sẽ phải trả cho mạng di động khác mức cước giảm khoảng 10-15% so với trước đây.

Thực tế, đây là điều kiện giúp các DN chiếm thị phần khống chế tiết kiệm được chi phí, tạo tiền đề cho việc giảm cước di động tiếp sau đó. DN căn cứ trên giá thành dịch vụ, cung cầu trên thị trường và mức giá cước bình quân trong khu vực và trên thế giới để giảm giá cước dịch vụ di động phù hợp với mức giảm giá cước kết nối này. 

Theo ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), khả năng Bộ đồng ý cho DN viễn thông giảm cước là rất lớn: “Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông siết khuyến mại, doanh nghiệp sẽ chọn cách giảm cước để hút thuê bao là điều tất yếu. Miễn là khi doanh nghiệp xin giảm cước thì phải trên giá thành dịch vụ. Hiện nay, giá thành dịch vụ được tính theo quy định của Bộ Tài chính. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ căn cứ vào đó có sự xem xét và đưa ra ý kiến đồng ý hay không đồng ý.”

Trên khung đó, VNPT xây dựng một lộ trình giảm giá đối với từng nhóm khách hàng, từng loại dịch vụ đảm bảo tính phù hợp giữa gói cước với đối tượng sử dụng, đặc biệt tạo sự khuyến khích có lợi cho khách hàng khi có nhu cầu chuyển đổi từ 2G lên 3G.

Đặc biệt, việc xây dựng gói cước linh hoạt khi khách hàng sử dụng đa dịch vụ của VNPT như di động, cố định, Internet sẽ là thế mạnh để VNPT cạnh tranh với các đối thủ khi mà thị phần các dịch vụ này của VNPT đang chiếm mức đa số. Do vậy với giá cước giảm đến 15% nhóm khách hàng nói chung, đặc biệt các nhóm khách hàng sử dụng đa dịch vụ của VNPT sẽ được hưởng nhiều lợi ích thiết thực.

Theo giới chuyên môn, việc các mạng di động cạnh tranh nhau bằng giá cước sẽ tốt hơn  cạnh tranh bằng khuyến mại. Bởi khi DN giảm cước thì tất cả các thuê bao đều được hưởng lợi trong thời gian lâu dài. Còn với khuyến mãi, chỉ một nhóm khách hàng được lợi và trong một khoảng thời gian nhất định. Ở tầm vĩ mô, giảm cước là góp phần giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hà Khoa

Đọc thêm