Chuyển đổi số tác động đa ngành, đa nghề
Chuyển đổi số là một khái niệm ra đời trong thời đại Internet bùng nổ, mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, nâng cao hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng hay nói một cách đơn giản nhất, chuyển đổi số chính là chuyển tất cả các hoạt động lên môi trường mạng, số hóa mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam đã nhanh chóng có được những kết quả rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số không ngừng được nâng cao trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất.
Hiện nay, chuyển đổi số đã diễn ra trong hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau. Tại ngành ngân hàng, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số với ứng dụng IoT (mạng lưới vạn vật kết nối internet) cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng internet (dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, Livebank của TPBank, E-Zone của BIDV…), hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (Mobile Banking).
Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận chuyển đổi số như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp.
Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, các doanh nghiệp logistics, giao nhận, thương mại, xuất - nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch và sản xuất... hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiếp thị số (Facebook, Google, Youtube, Tiktok, Instagram...) như một phương pháp tiếp thị quan trọng trong hoạt động tiếp thị, bán hàng.
Dịch vụ được người tiêu dùng sử dụng thường xuyên nhất đó là gọi xe công nghệ đang phát triển rất nhanh chóng. Không chỉ có các công ty nước ngoài như Grab hay Gojek, các công ty Startup tại Việt Nam cũng đã có sự phát triển vượt bậc, ghi những dấu ấn riêng của mình trong thời gian vừa qua như Be Group hay Xanh SM, tất cả đều sử dụng mô hình hoạt động mới dựa hoàn toàn trên nền tảng công nghệ.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác chuyển đổi số đã có những bước tiến rõ ràng qua 4 năm thực hiện, đồng thời tạo ra làn sóng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trên cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó. Khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp.
Thuận lợi và khó khăn luôn song hành
Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số, ông Đặng Thanh Nhất - Giám đốc Công ty TNHH Cashflow Group cho biết, trước đây khi chưa áp dụng công nghệ, việc lưu trữ dữ liệu, thông tin khách hàng qua excel dẫn đến dữ liệu không tập trung, không đồng bộ: “Thời điểm ban đầu, chúng tôi gặp vấn đề trong việc thiếu hệ thống báo cáo, phân tích ngay lập tức để đo lường, điều chỉnh các chiến dịch marketing và bán hàng. Ngoài ra, nhân viên bán hàng tư vấn thủ công nên số lượng tư vấn khách hàng trong ngày thấp, dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng quy mô.
Từ khi áp dụng những hệ thống, phần mềm độc quyền hay có sự trợ giúp từ AI, chúng tôi đã phát triển sản phẩm ngũ cốc nhân bản chiến dịch marketing, bán hàng tự động cho hơn 1.000 đại lý, bản thân tôi đã giúp doanh nghiệp đào tạo xây dựng hệ thống bán hàng tự động hơn 1.000 CTV bằng chatbot. Nhờ vậy, những dự án của chúng tôi đều tăng doanh thu gấp đôi trong khi số lượng nhân sự giảm và chi phí chỉ mất 80% so với dự kiến ban đầu”.
Ông Đặng Thanh Nhất |
Trong thời đại công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là một chiến lược cần thiết để tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường năng suất và tạo ra giá trị gia tăng. Thông qua việc kết hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), blockchain và IoT (Internet of Things)..., doanh nghiệp đang chủ động tích cực thích ứng và tận dụng tối đa những cơ hội chuyển đổi số đưa lại để định hình tương lai.
Trong đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nguồn nhân lực tương lai cho nền kinh tế số và xã hội số. Giáo dục vừa là phương tiện truyền đạt kiến thức vừa là nền tảng để phát triển kỹ năng số, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Tuy nhiên, theo ThS Bành Thị Hồng Lan - Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội, mặc dù có sự phát triển nhanh chóng nhưng hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) ở Việt Nam vẫn còn hạn chế ở một số khu vực, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và miền núi. Tiếp đó, vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin đang là một thách thức lớn đối với sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam như nguy cơ tấn công mạng, vi phạm bảo mật thông tin và tội phạm trực tuyến.
“Để thúc đẩy kinh tế số, Việt Nam đã đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như trong việc áp dụng công nghệ số vào các lĩnh vực kinh doanh khác. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này vẫn còn tồn tại. Việc đào tạo và thu hút nhân tài với kiến thức chuyên môn cao và khả năng sáng tạo vẫn là một thách thức lớn” - bà Hồng Lan chia sẻ.
Việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp vẫn mang tính cục bộ và rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện. Khi áp dụng các công nghệ số vào khâu quản trị và vận hành có thể khiến doanh nghiệp trở nên cồng kềnh, phức tạp, làm tăng chi phí đầu tư và vận hành so với khi chưa chuyển đổi. Đây là rào cản lớn nhất với các doanh nghiệp khi triển khai chuyển đổi số. Vì vậy, phần lớn chuyển đổi số trong các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay mới chỉ đang ở giai đoạn khởi động, chỉ có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn mới có những bước tiến và phát triển thực sự trong công cuộc chuyển đổi số.
Bà Nguyễn Thảo - Trưởng phòng Nhân sự công ty ABeam Consulting cho rằng: “Ba yếu tố then chốt: Con người, văn hóa và thay đổi đan xen có sự bổ trợ cho nhau và tác động trực tiếp đến quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Trong đó con người là trọng tâm, cần ưu tiên hàng đầu, bởi họ không chỉ là những người vận hành công nghệ mà còn là những người tạo ra giá trị từ công nghệ đó.
Do đó, các doanh nghiệp cần thành lập lực lượng chuyên trách để lập kế hoạch, lãnh đạo và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần bảo đảm nhân sự được đào tạo chuyên môn phù hợp, từ khâu tuyển dụng đến đào tạo và phát triển. Điều này giúp nhân viên nắm bắt công nghệ mới và giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong quá trình chuyển đổi, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp…”.
Bà Nguyễn Thảo |
Theo ông Đặng Thanh Nhất - Giám đốc công ty TNHH Cashflow Group: “Chuyển đổi số muốn thành công thì yếu tố quyết định là người đứng đầu. Người đứng đầu phải là người muốn thay đổi và chỉ có người đứng đầu mới có đủ uy tín, thẩm quyền và quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện; Chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ những cái cũ.
Họ phải là người định hướng và mạnh mẽ thay đổi cho chuyển đổi số, tin tưởng vào tiềm năng phát triển, sẵn sàng đầu tư kinh phí và nguồn lực cần thiết. Người đứng đầu phải truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần thay đổi đến toàn bộ nhân viên. Từ đó tạo ra sự linh hoạt, thích nghi với sự thay đổi của công nghệ để duy trì sự dẫn đầu và giám sát chặt chẽ tiến độ chuyển đổi, kịp thời tháo gỡ những rào cản, để dự án đạt mục tiêu đề ra.
Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, Cashflow đã có những chiến lược cụ thể để củng cố kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, tiếp tục phát triển thương hiệu. Theo đó, doanh nghiệp đã tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyển đổi số, tư duy đa kênh và kỹ năng kinh doanh số cho nhân viên; Phát triển hệ thống thương mại điện tử hiện đại, tối ưu trải nghiệm người dùng và thanh toán đa kênh; Đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá sản phẩm/dịch vụ trên các nền tảng số, mạng xã hội để lan tỏa thương hiệu; Áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ; Ứng dụng các giải pháp quản trị khách hàng để xây dựng lòng trung thành thương hiệu”.