Doanh nghiệp viễn thông tìm cơ hội ở nước ngoài

Sau những thành công diện rộng và đáng ghi nhận mà Viettel đạt được trên một số thị trường quốc tế, đầu tư ra nước ngoài đang được các doanh nghiệp viễn thông xem xét như một hướng đi tìm kiếm những cơ hội mới trong khi thị trường trong nước về cơ bản đã “an bài”…

Sau những thành công diện rộng và đáng ghi nhận mà Viettel đạt được trên một số thị trường quốc tế, đầu tư ra nước ngoài đang được các doanh nghiệp viễn thông xem xét như một hướng đi tìm kiếm những cơ hội mới trong khi thị trường trong nước về cơ bản đã “an bài”…

Metfone - mạng di động của Viettel ở Campuchia

Thành công của Viettel…

Năm 2012, Viettel có tốc độ tăng trưởng gấp 4 lần tăng trưởng GDP của Việt Nam với doanh thu đạt 141.400 tỷ đồng và lợi nhuận 27.500 tỷ đồng. Năm 2012 cũng được đánh dấu bởi sự trưởng thành trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Viettel. Với 7 giấy phép đầu tư, Viettel đã có thị trường 110 triệu dân, lớn hơn thị trường trong nước (gồm 3 nước châu Á là Lào, Campuchia, Đông Timor; 2 nước châu Phi là Mozambique, Cameroon; 2 nước châu Mỹ là Haiti và Peru).

Bốn nước đã kinh doanh có lãi với tổng số thuê bao đang hoạt động là gần 10 triệu. Đặc biệt, tại Mozambique, Viettel đã có lợi nhuận chỉ sau 6 tháng chính thức kinh doanh. Với hơn 2 triệu thuê bao được phát triển mới, Movitel được đánh giá là dự án đầu tư hiệu quả nhất của Việt Nam vào châu Phi kể từ năm 2008 đến nay.

Trong năm 2012, tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài của Viettel là 734 triệu USD, tăng trưởng 41% so với thực hiện năm 2011, đem lại lợi nhuận chuyển về Việt Nam là 77 triệu USD – gấp 4 lần so với năm 2011.

Năm 2013, Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng đạt mức doanh thu 162.000 tỷ đồng, lợi nhuận 34.600 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ những thị trường nước ngoài được đặt mục tiêu hơn 1,1 tỷ USD với 3 thị trường chủ lực là Campuchia, Lào và Mozambique.

Như vậy, doanh thu từ đầu tư nước ngoài đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu doanh thu của Viettel. Nếu như năm 2010 chỉ là 7,1%, năm 2011 tăng lên 9%, thì năm 2012 đã đóng góp 11% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Dự kiến năm 2013, tỷ trọng này sẽ tăng lên đến 15%.

Tổng số vốn góp ra nước ngoài là 175 triệu USD, tổng số tiền lợi nhuận đã mang về nước là 120 triệu USD. Đặc biệt, những thiết bị do Viettel sản xuất như USB DCOM 3G, điện thoại di động..., sẽ được phân phối tại những thị trường này với mục tiêu doanh thu đạt 300 triệu USD.

Tiềm năng từ thị trường mới

Viettel là doanh nghiệp đạt được nhiều thành công trong đầu tư ra nước ngoài, nhưng không phải là doanh nghiệp viễn thông Việt Nam duy nhất nhìn thấy tiềm năng từ những thị trường mới.

Năm 2012 vừa qua, Công ty Viễn thông quốc tế VNPT-I, trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã có bước tiến ngoạn mục trong việc kinh doanh, phát triển thị trường ngoại quốc, nhất là các thị trường Lào, Campuchia. VNPT-I đã hợp tác với đối tác Tổng công ty Viễn thông Campuchia (Telecom Cambodia) triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị (POP) và cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia).

Tuyến truyền dẫn có chiều dài trên 260 km kết nối từ POP cung cấp dịch vụ của VNPT-I ở thủ đô Phnom Penh - Campuchia đến Tp. Hồ Chí Minh - Việt Nam. Từ đây, đường truyền viễn thông quốc tế được mở rộng kết nối đến các nước châu Á, đi châu Âu, Bắc Mỹ qua các hệ thống cáp quang biển SMW3, AAG… và các hệ thống cáp quang trên đất liền đi Lào, Trung Quốc.

Hệ thống được thiết kế đảm bảo tính dự phòng và khôi phục cao. Đây cũng là kênh kết nối thông tin huyết mạch, quan trọng đi quốc tế của Telecom Cambodia.

Cùng với Campuchia, năm 2012, VNPT-I cũng tích cực bám sát thị trường Lào để cung cấp dịch vụ và đạt được kết quả tốt. VNPT-I hiện đang cung cấp gần 60% tổng dung lượng kết nối của thị trường Lào.

Trong khi đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet số một tại Việt Nam là Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC cũng đã có những bước tiến ấn tượng ra thị trường nước ngoài. Ngay từ đầu năm 2012, VDC đã đặt quyết tâm thực hiện nhanh các dự án phối hợp với đối tác đầu tư kênh truyền dẫn và dịch vụ Internet không dây băng rộng tại thị trường Lào và Campuchia, tạo nguồn doanh thu mới cho doanh nghiệp.

Trước đó, doanh nghiệp cũng đã phát triển kinh doanh thành công sang thị trường HongKong. VDC cũng có kế hoạch tham gia kinh doanh trực tiếp tại các thị trường quốc tế với việc đưa các dịch vụ và thiết lập hạ tầng tại Lào, Campuchia, Úc, Đài Loan…

Mạng di động MobiFone cũng đã thiết lập những “viên gạch” đầu tiên tại thị trường nước ngoài khi đặt văn phòng đại diện tại Myanmar để thể hiện cam kết sẽ đầu tư lâu dài ở thị trường này.  MobiFone dự kiến sẽ đầu tư ra nước ngoài và phục vụ cho thị trường khoảng 200 triệu dân.

Chủ tịch MobiFone Lê Ngọc Minh chia sẻ, việc đầu tư ra nước ngoài ở thời điểm này vô cùng khó khăn và nhiều thử thách, nhưng nếu muốn trở thành doanh nghiệp lớn mạnh thì không thể chỉ khai thác ở thị trường trong nước hữu hạn với khoảng 100 triệu dân, mà phải đi tìm kiếm thị trường mới. “MobiFone chắc chắn sẽ trưởng thành hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn nếu đi ra nước ngoài”, ông Minh khẳng định.

Nguyên Thủy

Đọc thêm