Trở ngại về khoảng cách, yêu cầu chất lượng sản phẩm
Ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng Phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, với khu vực châu Mỹ, cần nhấn mạnh khó khăn của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải đương đầu khi xuất khẩu vào thị trường này, đó là khoảng cách địa lý xa xôi (cách nửa vòng trái đất). Chênh lệch thời gian 12-14 tiếng nên khó khăn trong giao tiếp vì lệch múi giờ. Đây là một thử thách với DN Việt. Bởi khi khoảng cách xa sẽ tăng chi phí vận tải lên nhiều, đặc biệt sau thời kỳ COVID-19.
Tại các thị trường của Mỹ Latinh, DN còn gặp trở ngại về ngôn ngữ khi đang quen với ngôn ngữ chung là tiếng Anh, Pháp, nhưng khu vực này sử dụng tiếng Tây Ban Nha gần như 100% trong quảng cáo, đóng mác sản phẩm, quy định, tiêu chuẩn. Như vậy, vấn đề trở ngại về ngôn ngữ, đặc biệt là diễn giải trong các sản phẩm và nhãn hàng là một trong các vấn đề mà DN Việt đang đương đầu. Hiện một số DN đã đưa yêu cầu lên Bộ Công Thương nhờ giải đáp và hướng dẫn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Lộc Trời khẳng định, 2 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với một số nước châu Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã tạo ra rất nhiều ưu thế cho DN Việt Nam. “Trước khi có hiệp định, Tập đoàn Lộc Trời xuất vào EU với mức thuế cao gạo trắng 75 euro/tấn, gạo lứt 65 euro/tấn. Sau 1/8/2020 mọi chuyện thay đổi hoàn toàn khác do được miễn thuế. Cơ hội cho DN Việt Nam là rất lớn. Gạo Việt Nam có cơ hội cạnh tranh với nhiều quốc gia khác và dư địa tại thị trường này thực sự lớn” - ông Hiếu chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, chất lượng sản phẩm vẫn là những lưu ý rất cần thiết cho DN Việt nếu muốn tiếp cận và chinh phục thị trường EU. Bởi yêu cầu về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật của EU khá khắt khe, DN Việt không dễ dàng đáp ứng được nên cần phải cân nhắc cẩn trọng về chất lượng khi xuất sang EU. Bởi nếu chưa đáp ứng được các yêu cầu về vùng trồng, nếu DN chưa quyết tâm xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa đảm bảo an toàn thì DN có thể nằm trong “danh sách đen”. Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhiều mặt hàng khác của Việt Nam.
Độ phủ “made in Vietnam” chưa đủ để nhận biết
Trưởng Phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Bùi Tuấn Hoàn cho rằng, mức độ nhận biết của các DN nhập khẩu nước bạn đối với chất lượng sản phẩm của Việt Nam chưa cao và có độ nghi ngờ nhất định về năng lực sản xuất của Việt Nam. “Đôi khi, DN Việt Nam không có các thương hiệu đủ lớn hoặc sản phẩm Việt Nam có giá trị gia tăng không nhiều, nên thay vì sử dụng sản phẩm của Việt Nam, các đối tác nước ngoài sử dụng sản phẩm của Trung Quốc hay Thái Lan” - ông Hoàn nói.
Đáng chú ý, DN Việt vẫn chưa tận dụng được hệ thống hạ tầng thương mại của các nước thông qua các hệ thống bán lẻ, hệ thống phân phối của nước sở tại. Ông Hoàn dẫn chứng, một số nước như Mexico, Canada, Mỹ có hệ thống Walmart, Cosco và các mạng lưới rộng khắp tại khu vực Bắc Mỹ nói chung nhưng Việt Nam vẫn chưa xây dựng được các thương hiệu của riêng mình để đưa sản phẩm vào các kệ hàng này. Điều này dẫn đến tình trạng DN và người tiêu dùng của nước sở tại khó thâm nhập và nắm bắt các thương hiệu Việt Nam. Và Việt Nam chưa có thương hiệu riêng nên không cạnh tranh được hoặc phải chấp nhận sản xuất theo kiểu OEM (gia công). Tuy nhiên, theo ông Hoàn, đến thời điểm này có thể nói OEM cho các thương hiệu lớn cũng là một lợi thế.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) tăng trưởng khá cao sau 2 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU nhưng thương hiệu Việt Nam chưa được biết đến nhiều tại các nước này. Điều này khiến giá trị và lợi ích mà các DN Việt Nam thu về trong hoạt động xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng.
Tuy nhiên, theo bà Trang, trong bối cảnh DN chưa đủ khả năng để tự xây dựng thương hiệu thì gia công cũng vẫn là con đường tốt nhất để nâng độ phủ hàng “made in Vietnam” rộng rãi hơn với bạn hàng thế giới. Chưa kể, EU là một trong những thị trường bảo thủ, để thuyết phục khách hàng vốn đã quen với những thương hiệu hàng trăm năm tiếp cận với những thương hiệu mới không phải là điều dễ dàng. Do vậy, trong chừng mực nhất định, nếu DN chưa đạt tới trình độ xây dựng thương hiệu thì sẽ tiếp tục gia công.
"Theo quan sát của chúng tôi, gia công cũng có thương hiệu của gia công. Chẳng hạn vào 1 cửa hàng giày tại Pháp, cùng một loại giày nhưng nếu sản xuất tại Việt Nam thì có mức giá khác so với các nước khác. Điều quan trọng là chúng ta có thể đưa Việt Nam trở thành quen thuộc và định vị được giá trị sản xuất ở Việt Nam trước nhưng về lâu dài thì việc xây dựng thương hiệu cũng cần phải được cân nhắc và quan tâm đến" - bà Trang chia sẻ.