"Chuyển đổi Kép"…
Ngày 9/4/2024, Cục Phát triển DN - Bộ KH&ĐT phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ công bố Báo cáo thường niên “Chuyển đổi số Doanh nghiệp 2023: Thúc đẩy Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh”.
Báo cáo là ấn phẩm thường niên hàng năm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ KH&ĐT, do Cục Phát triển DN chủ trì.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, cho biết, trong thời gian qua, tác động của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã gây ra nhiều trở ngại cho các DN tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
“Điều này đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các DN tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững. Cùng với xu thế phát triển đó, việc kết hợp CĐS với CĐX, hay còn gọi là “Chuyển đổi Kép”, không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của DN mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả DN và xã hội…” - ông Trung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trung, nắm bắt được xu hướng tất yếu này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “CĐX cùng với CĐS, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh”.
Trên cơ sở đó, Cục Phát triển DN đã cùng các chuyên gia khảo sát, phân tích và xây dựng Báo cáo thường niên CĐS DN năm 2023 với chủ đề: “Thúc đẩy Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh”.
Với sự hỗ trợ của chính phủ Đức thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, báo cáo 2023 tập trung vào “Chuyển đổi kép” - CĐS song song với CĐX, cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình CĐS trên thế giới và tại Việt Nam, cũng như sẽ giúp DN có thêm nhiều góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi Kép, từ đó có thêm những thông tin hữu ích để quyết tâm hơn trong hành trình đổi mới và cải tiến DN nhằm đạt được những thành công bền vững.
"Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Hợp tác Việt-Đức nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Sự hỗ trợ của chúng tôi trong CĐS và CĐX không dừng lại ở buổi hội thảo công bố báo cáo ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các DN, xây dựng khối kinh tế tư nhân vững mạnh, đồng thời hỗ trợ các DN Việt điều chỉnh để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường châu Âu và quốc tế.” - ông Dennis Quennet, Giám đốc Phát triển Kinh tế Bền vững tại GIZ Việt Nam khẳng định.
|
Đại diện DN chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Thanh Thanh) |
Những điểm nổi bật của Báo cáo...
Theo đại diện Cục Phát triển DN, Báo cáo Thường niên CĐS DN 2023 có 4 điểm nổi bật.
Thứ nhất, về xu hướng chuyển đổi kép trên thế giới, thuật ngữ ‘Chuyển đổi Kép’ - xu hướng CĐS kết hợp CĐX trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 03 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
Tại Việt Nam công nghệ số và CĐS cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” cũng đã đề ra các mục tiêu: Giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và CĐS; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Thứ hai, phân tích mức độ sẵn sàng (MĐSS) của các DN (chủ yếu là DN nhỏ và vừa) năm 2023, khía cạnh về Định hướng chiến lược được ghi nhận có MĐSS CĐS cao nhất, thể hiện việc các DN đang tích cực, chủ động tìm hiểu, cập nhật, tiếp cận các xu hướng, giải pháp và sáng kiến công nghệ để ứng dụng vào hoạt động của DN.
Sự hạn chế trong việc chuẩn hóa hệ thống quy trình, chính sách hoạt động, khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu, kết nối hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) cũng như nguồn lực đầu tư của DN nhỏ và vừa dẫn tới MĐSS chuyển đổi của các khía cạnh Chuỗi cung ứng và Hệ thống CNTT & quản trị dữ liệu hiện ở ngưỡng thấp nhất trong 7 khía cạnh.
Thứ ba, kết quả đánh giá MĐSS ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm, đều đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2.5) với mức tăng từ 0.7 – 1.4 điểm so với năm trước.
Điều này cho thấy DN hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của CĐS, chủ động tích hợp các mục tiêu CĐS vào chiến lược phát triển của mình cũng như tăng cường nguồn lực cần thiết, đặc biệt nhân sự lãnh đạo hoặc đầu tư nhiều hơn vào những dự án CĐS. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy DN ở tất cả các ngành nghề đều đã sẵn sàng cho bước tiến CĐS mang tính đột phá và toàn diện này.
Thứ tư, các DN dù có đủ nhận thức, kiến thức về CĐS nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc có những chính sách, chương trình hỗ trợ, tư vấn về lộ trình CĐS, hỗ trợ ứng dụng giải pháp CĐS phù hợp là thực sự cần thiết để DN bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.
Ấn phẩm Báo cáo thường niên CĐS năm 2023 cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình CĐS trên thế giới và tại Việt Nam, cũng như sẽ giúp DN có thêm nhiều góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi kép, một xu hướng đang được các DN trên thế giới thực hiện trong quá trình CĐS.
Ngoài ra, báo cáo cũng tiếp tục công bố các số liệu thường niên về mức độ sẵn sàng CĐS của DN và những nỗ lực của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế để thúc đẩy CĐS, CĐX tại Việt Nam trong năm vừa qua.
Báo cáo được đăng tải·trên Cổng thông tin https://digital.business.gov.vn, cung cấp thông tin tham khảo quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách cũng như DN, các tổ chức và các cá nhân quan tâm.