Tại buổi họp báo trực tuyến chiều qua - 7/4, CBRE Việt Nam cho biết, quý 1/2020 mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 3,82% theo năm. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong giai đoạn 2011 -2020. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng CPI lại tăng 5,56% so với cùng kỳ, do mức độ tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và do tác động từ dịch Covid -19.
Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong quý 1/2020 cũng chỉ đạt 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ. Trong giai đoạn này, các ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước và điều hòa dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài, với khoảng 4,0 tỷ USD
Bên cạnh đó, số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, cả quý 1 có 236 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 1,07 tỷ USD, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, còn có 2.523 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần trong 3 tháng qua tăng nhiều, song quy mô góp vốn nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân của quý I/ 2019 là 3,4 triệu USD/lượt góp vốn.
Bà Dương Thùy Dung – quản lý cấp cao của CBRE Việt Nam - cho hay, không chỉ trong thời điểm hiện nay vốn FDI vào Việt Nam bị sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng cũng như tổng vốn đầu tư đăng ký, mà nếu trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục giảm.
Theo bà Dung, nguyên nhân thứ nhất chính là việc hạn chế đi lại, cấm di chuyển, cách ly để phòng lây nhiễm dịch Covid -19 từ Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ Tướng Chính Phủ, nên việc các nhà đầu tư gặp gỡ, tham quan cũng bị hạn chế, dẫn tới quyết định đầu tư hay mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị ngừng lại.
Hơn nữa, Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế khu vực Châu Á – TBD và cũng phủ bóng đen lên sự phát triển kinh tế toàn cầu. Vì thế, vốn FDI vào Việt Nam khó tăng trưởng trong năm 2020, bởi các hợp đồng diễn ra trong giai đoạn này hầu hết đều là các hợp đồng đã hoàn tất thủ tục pháp lý từ trước khi dịch xuất hiện.
Do vậy, CBRE cũng đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam ngay từ bây giờ cần chủ động đưa ra những kịch bản phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Điều đó không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong điều kiện khó khăn hiện nay, mà có thể tạo tâm thế tốt nhất sau khi đại dịch được kiểm soát để đón đầu các hợp đồng đầu tư hay M&A từ các quỹ tài chính, các doanh nghiệp quốc tế khi quay trở lại thị trường Việt Nam.
Việc có tình huống chủ động cũng giúp doanh nghiệp có quyết sách hợp lý nhất là khi Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có FTA Việt Nam - EU (EVFTA), được kỳ vọng tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.