Những cuộc kết nối cung - cầu trực tiếp đầu tiên…
Lần đầu tiên sau dịch Covid-19, một cuộc giao thương kết nối cung - cầu đã được tổ chức “off” (trực tiếp) với hơn 200 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK), DN phân phối, thương mại tham gia để kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, đây là một trong những hoạt động nhằm khôi phục phát triển kinh tế trong giai đoạn mới phòng chống dịch bệnh của TP Hà Nội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng Việt trên thị trường trong nước và XK.
Trong thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ giao Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại thành phố triển khai nhiều chương trình kích cầu nội địa, đồng đẩy mạnh XK, góp phần tái khởi động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Hà Nội đã đề ra.
Trước mắt, Hà Nội sẽ phối hợp với Tập đoàn Central Retail lần đầu tiên tổ chức Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội năm 2020 tại Big C vào hôm nay (30/5/2020). Đây là hoạt động được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sản phẩm các tỉnh, thành phố quảng bá, kết nối tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, đặc biệt là trái cây đến mùa vụ thu hoạch; sản phẩm nông sản gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, XK do ảnh hưởng dịch Covid-19, các sản phẩm nông sản đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho biết, dịch Covid-19 vừa qua đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt hàng thiết yếu khiến cho nhiều DN gặp khó khăn không chỉ
trong thị trường thương mại nội địa mà còn tác động rất lớn tới thị trường XK của hàng hóa Việt Nam. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 293,9 nghìn tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 4/2020, thị trường hàng hóa XK với các nước đối tác lớn của Việt Nam đều bị sụt giảm so với tháng trước như thị trường ASEAN giảm 20% so với tháng 3/2020, Trung Quốc giảm 2,9%, Nhật Bản giảm 9,3%, Hàn Quốc giảm 13,7%, châu Âu giảm 28,6%, Hoa Kỳ giảm 24,1%...
Do đó, quay về thị trường nội địa vào thời điểm này là sự lựa chọn khôn ngoan nhất đối với mọi DN sản xuất cũng như cung cấp dịch vụ.
“Tiêu thụ chéo” sản phẩm để cùng nhau vượt khó
Ông Phú cho rằng, các chương trình kết nối cung - cầu vào thời điểm này là vô cùng quan trọng và cần thiết vừa để DN “sốc” lại tinh thần làm việc sau thời gian mệt mỏi chống dịch, vừa để DN trong nước “ngồi lại với nhau” tìm cách tiêu thụ chéo các sản phẩm, dịch vụ của nhau. Đây là một hoạt động rất quan trọng trong thời kỳ hậu Covid-19 này”.
Kết quả bước đầu của cuộc giao thương đầu tiên “off” sau dịch là các biên bản ghi nhớ giữa các hệ thống phân phối, siêu thị với các DN sản xuất trong nước đã được ký kết. Bao gồm: Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam ký kết với 17 DN; Công ty TNHH Bán lẻ BRG ký kết với 8 DN để cung ứng với các mặt hàng đưa vào hệ thống phân phối của 2 công ty như: Bánh mứt kẹo các loại, cà phê, hạt điều, lương khô, nước đóng chai, đồ gia dụng, nhà bếp, thực phẩm gia vị, bóng đèn phích nước, hàng dệt may, quần áo các loại…
Đại diện Công ty TNHH bán lẻ BRG cho biết thêm, Cty được Tập đoàn BRG giao làm đầu mối mua hàng hóa từ các nhà cung cấp để phục vụ nhu cầu của các công ty thành viên trong tập đoàn, như chuỗi hơn 100 siêu thị (Intimex, FujiMart, Hapro Mart, Seika Mart), hệ thống 7 sân golf, chuỗi các khách sạn thương hiệu quốc tế (Hilton, Inter Continental Hanoi Westlake, Four Seasons, Sheraton Grand Đà Nẵng Resort...).
Đây được đánh giá là nỗ lực cực lớn của các DN trong nước trong việc hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau vực dậy, phát triển sau dịch, bởi sử dụng “sản phẩm ngoại” vẫn thường là lựa chọn của các khách sạn, dịch vụ hạng sang.
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 (May 10) thông tin, hiện kim ngạch XK của đơn vị bị giảm khoảng 40% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Để giảm rủi ro, trước mắt, May 10 xác định phát triển thị trường nội địa và kết hợp với nhiều DN nội để “cùng nhau vượt khó”.
Cụ thể, đơn vị đã kết nối với nhiều DN trong nội khối, ngành để tận dụng lợi thế của nhau trong thị trường nội địa. Trong các khâu dịch vụ, May 10 liên kết chiến lược với các đơn vị dịch vụ, các đơn vị vận tải, truyền thông... nhằm kết nối, chia sẻ và tận dụng thế mạnh của các đơn vị, giúp nhau đứng dậy mạnh mẽ sau dịch.