Những “bông sen vàng” văn hóa Việt năm 2015

(PLO) - Năm 2015 là năm Việt Nam gặt hái khá nhiều thành công trên mảng văn hóa, nghệ thuật, thể thao trên trường quốc tế. Hàng loạt giải thưởng cao quý được bạn bè năm châu tôn vinh.

“Truyện Kiều” được Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới xác nhận Kỷ lục mới vào dịp Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du.
“Truyện Kiều” được Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới xác nhận Kỷ lục mới vào dịp Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du.
“Biên bản chiến tranh” lên ngôi
Ngày 14/12/2015, tại Bangkok, Thái Lan, diễn ra lễ trao “Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015”. Trong số nhà văn các nước Đông Nam Á được trao giải năm nay, Việt Nam có nhà văn Trần Mai Hạnh với tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Giải thưởng Văn học ASEAN do Hoàng gia Thái Lan khởi động năm 1979, được trao hàng năm nhằm tôn vinh các nhà văn, nhà thơ có sáng tác văn học tiêu biểu ở các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam bắt đầu tham gia từ năm 1996, mỗi năm có một nhà văn hoặc nhà thơ được đề cử và vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN.  
Tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” dày gần 600 trang với những tài liệu nguyên bản, phục dựng lại trung thực sự thật diễn ra những ngày cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Cuốn tiểu thuyết gồm 19 chương với phần phụ lục 21 tài liệu tham khảo nguyên bản được in toàn văn nói về sự sụp đổ cùng chân dung của hầu hết các tướng lĩnh quân đội và số phận những người đứng đầu chính quyền Sài Gòn trong bốn tháng cuối của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam (từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1975). Qua đó làm nổi bật thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng. 
Tác giả Trần Mai Hạnh từng là phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975 tác giả được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam bám sát các binh đoàn chủ lực, theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn và đã chứng kiến giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại dinh Độc Lập. 
Kéo co trở thành di sản
Ngày 2/12/2015, Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống được thực hành ở khắp các vùng trồng lúa, hầu hết tập trung ở Đông và Đông Nam Á. 
Mong ước cho mưa thuận, gió hòa và mùa vụ bội thu được biểu đạt thông qua trò chơi và nghi lễ kéo co, dù di sản có nhiều nét đa dạng khác nhau, phản ánh những đặc điểm riêng về bối cảnh sinh thái, lịch sử, văn hóa của mỗi quốc gia thành viên. Ở Việt Nam, kéo co được thực hành thường xuyên ở các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh cũng như ở thành phố Hà Nội. 
Ở nhiều nước, kéo co là môn thể thao và ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống, một môn thể thao mang tính đồng đội và luôn thu hút đông người tham gia. Vào các dịp Tết truyền thống, kéo co là một trò chơi không thể thiếu ở nhiều lễ hội cổ truyền.
“Trong vòng mấy chục năm qua, nhiều nghi lễ kéo co biến thành thể thao, đưa vào hoạt động xã hội. Kéo co nghi lễ thể hiện âm dương rất rõ ràng. Người ta mong sự sinh sôi nảy nở, mong mùa màng tươi tốt, hy vọng cho tương lai. Đó là tầng sâu của văn hóa phi vật thể”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói. 
Sau khi đã có 9 di sản văn hóa phi vật thể (7 di sản thuộc Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản thuộc Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp), đến nay Việt Nam đã có 10 Di sản văn hóa thế giới. Đây sẽ là những thế mạnh văn hóa độc đáo của Việt Nam trên trường quốc tế. 
Sức mạnh lan tỏa của “Truyện Kiều”
Ngày 2/12/2015, Tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới xác nhận kỷ lục thế giới mới dành cho tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du. 
Theo đó, “Truyện Kiều” chính thức trở thành “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”. Kỷ lục này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử thành công trong thời gian qua và được Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới xác lập vào đúng dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du và Lễ vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du diễn ra trên toàn thế giới. 
Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới đánh giá: “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (17651-1820) gồm 3.254 câu thơ lục bát là một kiệt tác văn học. Tác phẩm này đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua. 
“Truyện Kiều” cũng đã được chuyển ngữ sang hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp… với trên 35 bản dịch. “Truyện Kiều” của Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới đến với độc giả nhiều nước trên thế giới. Với “Truyện Kiều”, Đại thi hào Nguyễn Du đã được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. 
Các kỷ lục về “Truyện Kiều” được thể hiện một cách đa dạng qua các hình thức sách báo, dịch thuật, điêu khắc, tranh lụa, hợp xướng, thư pháp, sân khấu… Tất cả đã góp phần tôn vinh những nét văn hóa mà “Truyện Kiều” mang lại cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại Việt Nam. 
Với những giá trị đó, Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới đã chính thức xác lập kỷ lục thế giới cho “Truyện Kiều” là “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cùng Ban Quản lý Di tích Nguyễn Du - Hà Tĩnh đã chính thức sở hữu kỷ lục thế giới do Liên minh Kỷ lục Thế giới cấp. Dự kiến, kỷ lục thế giới này sẽ được Liên minh Kỷ lục Thế giới trao trong Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 31 (tháng 3/2016) tại Việt Nam.
Có duyên với Giải thưởng Văn hoá Fukuoka lần thứ 26
Ngày 17/9/2015 , tại Trung tâm hội nghị Quốc tế Fukuoka đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Văn hoá Fukuoka lần thứ 26. Giải thưởng Fukuoka được tổ chức từ năm 1990 để vinh danh những đóng góp tiêu biểu của các cá nhân, tổ chức trong việc bảo tồn và phát triển sáng tạo sự đa dạng và độc đáo của văn hóa châu Á. 25 năm qua, Ủy ban Giải thưởng Fukuoka Nhật Bản đã trao giải cho 99 gương mặt tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực đến từ nhiều quốc gia. 
Nhà sử học, GS Phan Huy Lê là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka năm 1996 với những đóng góp cho nền sử học nước nhà. Và Giải thưởng Văn hóa nghệ thuật được trao cho nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh của Việt Nam. 
Là khách mời trong buổi lễ, nhà sử học Phan Huy Lê bày tỏ, ông rất mừng vì sau 19 năm đã có người kế tiếp của Việt Nam nhận giải. 
Còn nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Giải thưởng này không chỉ dành cho tôi, mà dành cho văn hóa Việt Nam đã có dấu ấn tại châu Á. Tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn đến những người dân tộc gắn bó với mình trong nhiều năm qua. Và tôi cũng muốn nhấn mạnh giải thưởng này mở đầu cho sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thời trang giữa hai quốc gia, có một câu mà tôi rất tâm đắc: “Văn hóa chính là điều sẽ cứu rỗi thế giới”. 

Đọc thêm