Doanh nghiệp xin về lại bộ cũ, Ủy ban Quản lý vốn nói gì?

(PLVN) - “Nếu thực hiện theo cơ chế đặt hàng, theo Nghị định 32 của Chính phủ, Tổng công ty Đường sắt dù có ở Bộ Giao thông Vận tải hay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thì vẫn phải thực hiện theo cơ chế chung” – bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Hai.
Doanh nghiệp xin về lại bộ cũ, Ủy ban Quản lý vốn nói gì?

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết, thực hiện Nghị định 131 của Chính phủ, 19 Tập đoàn, Tổng công ty bàn giao nguyên trạng về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Trong quá trình triển khai, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nhận được 259 nhiệm vụ dở dang và 1 số nhiệm vụ mà các Tập đoàn, Tổng công ty triển khai và thông qua trước 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chủ sở hữu triển khai.

Thậm chí, có dự án triển khai dở dang 10 năm, 20 năm, việc chuyển giao hồ sơ về Ủy ban, cơ quan này nhận thấy còn nhiều dự án chưa đầy đủ. Với mỗi dự án, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước yêu cầu triển khai theo đúng trình tự thủ tục, pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành” – bà Hà nói.

Bà Hà cũng cho biết: “Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chiếu theo quy định thì một số dự án không phù hợp, không hiệu quả thì phải yêu cầu làm rõ. Có những doanh nghiệp, Tập đoàn chưa quen cách triển khai của Ủy ban nhưng chúng tôi yêu cầu phải bảo toàn vốn, phải có hiệu quả. Khi không hiệu quả chúng tôi yêu cầu phải báo cáo”.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
 Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đề cập đến việc Tổng công ty Đường sắt (VNR) đang gặp khó khăn khi nguồn vốn dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được giao do vướng mắc các cơ chế dẫn đến nguy cơ dừng chạy tàu toàn quốc, bà Hà cho biết, VNR về Ủy ban từ tháng 10/2018 nhưng vốn dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 vẫn được Bộ Giao thông Vận tải giao cho VNR và không có phát sinh vấn đề nào khác.

Tuy nhiên, năm 2020, VNR thực hiện nhiệm vụ đặt hàng bảo trì kết cấu hạ tầng nên hiện có 2 luồng ý kiến đó là vẫn tiếp tục triển khai như những năm trước hay là thực hiện theo cơ chế đặt hàng.

Nếu thực hiện theo cơ chế đặt hàng, theo Nghị định 32 của Chính phủ, VNR dù có ở Bộ Giao thông Vận tải hay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thì vẫn phải thực hiện theo cơ chế chung vì Nghị định này quy định rõ: "Bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan Chính phủ đều có quyền đặt hàng nhiệm vụ công ích để các doanh nghiệp, đơn vị kể cả tổ chức, cá nhân nếu có pháp nhân để thực hiện việc này."

Bà Hà cũng thông tin thêm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp, Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước có các ý kiến để xem lại các cơ sở pháp lý, báo cáo ủy ban Thường vụ Quổc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 theo hướng đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho VNR thông qua dự toán ngân sách Nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải như đã thực hiện năm 2019.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã giao hơn 2.800 tỷ đồng dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Cục Đường sắt Việt Nam từ cuối tháng 12/2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể ký hợp đồng đặt hàng làm cơ cở triển khai kế hoạch bảo trì do vướng mắc về cơ chế, các quy định pháp luật. Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản trình Chính phủ báo cáo cụ thể các vướng mắc này.

Đọc thêm