Trong khi thị trường xuất khẩu ngày một khắc nghiệt, tiếp cận tín dụng vẫn hết sức khó khăn thì vẫn đang tồn tại nhiều thủ tục, quy định rườm rà, “vô tình”, làm cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng đuối trước các đối thủ nước ngoài.
Đã khó càng thêm khó
Nhiều doanh nghiệp cho biết (DN), trong thời gian khi DN gặp sự cố kháng sinh tại thị trường Nhật Bản - thị trường xuất khẩu chủ lực – mà hệ lụy là nhiều lô hàng bị trả về, tình hình kinh doanh điêu đứng, thì phía hải quan “phục vụ khách hàng” đâu không thấy, vẫn một mực yêu cầu DN đóng thuế tương đương gần bằng giá trị lô hàng. Nếu không có tiền nộp thì DN phải được ngân hàng bảo lãnh, chứ nhất định không cho DN thời gian để chứng minh đây là hàng bị trả về. Vì thủ tục như vậy nên nhiều DN phải “lách luật” bằng cách sẽ khai số hàng bị trả về là “hàng tái chế” để thanh lý lô hàng và tránh thuế.
Ngoài ra, việc lấy mẫu kiểm nghiệm các lô hàng xuất khẩu cũng tốn kém cả chi phí lẫn thời gian của DN. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) than thở, kể cả với các DN thủy sản loại A thì ngày nào cũng bị kiểm tra theo nguyên tắc “5 lô kiểm 1 lô”.
Do đó, DN cứ “dài cổ” đợi cơ quan chức năng kiểm nghiệm và cấp giấy chứng thư từ 7 đến 10 ngày, làm giảm hẳn lợi thế cạnh tranh của các DN Việt Nam. Đó là chưa kể, chi phí kiểm nghiệm cho mỗi lô hàng quá tốn kém.
Tương tự, những DN nhập khẩu cũng đang “sống dở chết dở” khi áp dụng Thông tư số 01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thông quan hàng hóa nhập khẩu phải qua kiểm dịch. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) cho hay, nếu áp dụng Thông tư này, hàng hóa phải kiểm dịch chỉ được phép mang ra khỏi cảng khi có Giấy vận chuyển hàng hóa hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch.
Như vậy, so với quy định cũ, thời gian được nhận hàng sẽ chậm hơn. Điều này khiến DN vất vả hơn khi trải qua quá nhiều công đoạn và trả nhiều chi phí khác nhau, như tiền kho bãi lưu hàng, tiền điện… làm cho chi phí nhập khẩu tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp… rắc rối
Theo Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu, đến ngày 30/9/2012 là hạn chót các DN xuất khẩu gạo phải chứng minh sở hữu dây chuyền xay xát lúa 10 tấn/giờ, kho chứa 5.000 tấn lúa trở lên, hệ thống sấy, xay xát… Chính vì thế, hiện nhiều DN vừa phải “chạy đua” đầu tư trang thiết bị, vừa phải vay vốn để duy trì hoạt động kinh doanh. Điều này có thể khiến hàng loạt các DN vừa và nhỏ bị loại ra khỏi thị trường xuất khẩu gạo.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, khi DN phải tìm mọi cách để đầu tư vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc đầu tư trang thiết bị, vật tư để đáp ứng yêu cầu Nghị định 109 là hết sức khó khăn. Bởi, để có thêm kho bãi và cơ sở xay xát đáp ứng quy định, mỗi DN cần ít nhất từ 30 đến 40 tỷ đồng.
Do đó, đến thời điểm này, nhiều DN vẫn còn loay hoay với các thủ tục chuyển nhượng đất, xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu gạo từ cuối năm 2011 đến nay khá trầm lắng, điều kiện DN phải đảm bảo xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn/năm là yêu cầu không dễ gì thực hiện được.
Bên cạnh đó, nhiều DN xuất khẩu gạo cũng cho hay, Bộ Công thương không nên khống chế lượng DN xuất khẩu gạo ở con số 100 mà nên để DN đủ điều kiện sẽ cấp phép. Theo quy định, mỗi DN xuất khẩu gạo phải dự trữ tối thiểu tương đương 10% số gạo đã xuất khẩu 6 tháng trước đó.
Chẳng hạn, nếu DN trong 6 tháng xuất khẩu được khoảng 5.000 tấn sẽ phải dự trữ 500 tấn. Như vậy, tính theo giá gạo bình quân hiện nay khoảng 450USD/tấn thì DN sẽ bị “đóng băng” thêm 4,5 tỉ đồng. Chính điều này đã khiến nhiều DN nản lòng, dẫn đến nguy cơ hàng loạt DN vừa và nhỏ có thể bị loại khỏi thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Vì vậy, các DN đều cho rằng, Bộ Công thương nên lùi thời hạn hoàn thành chứng minh đủ các điều kiện đến tháng 6/2013 hoặc ít nhất hết 31/12/2012.
Ngọc Quý