Hơn 10 vạn tàu khó đổi thói quen đánh bắt
Theo kế hoạch tháng 1/2019, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo (IUU). Đây là lần thứ ba EC có các cuộc kiểm tra xoay quanh vấn đề này.
Trước đó, từ ngày 15 đến 24/5/2018, Đoàn thanh tra của EC đã có các cuộc làm việc, kiểm tra thực tế ở một số địa phương. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong khai thác vẫn diễn ra. Đến tháng 10/2018, đoàn Nghị viện châu Âu cũng sang làm việc và kiểm tra tình hình khắc phục “thẻ vàng” tại Việt Nam, đồng thời ghi nhận những nỗ lực trong việc đáp ứng các khuyến nghị mà EC đã đưa ra trước đó.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNN, trong hơn 1 năm qua, các ngành liên quan đã tổ chức hơn 1.000 đợt kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý hơn 6.300 vụ vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, với số tiền phạt gần 30 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã có sáng kiến tổ chức mô hình cộng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích người dân, các hội, hiệp hội cùng chính quyền cơ sở quản lý nguồn lợi thủy sản.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNN) cho hay, để phát triển ngành kinh tế thủy sản, trong đó có nghề cá của Việt Nam, điều bắt buộc là nghề cá phải phát triển theo thông lệ của quốc tế, đặc biệt là phải tuân thủ quy định về chống khai thác IUU. Tuy nhiên, những nỗ lực hiện nay của Việt Nam trong việc đáp ứng các khuyến nghị của EC vẫn gặp không ít khó khăn.
Theo đó, việc đưa các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU vào khung pháp lý của Việt Nam là vấn đề đáng quan tâm, vì mỗi quốc gia có cách xây dựng luật riêng. Được biết, Luật Thủy sản 2017 được Quốc hội thông qua là một thành công lớn của ngành Thủy sản vì đã nội luật hóa các vấn đề về chống khai thác IUU đáp ứng các yêu cầu theo khuyến nghị của EC vào trong Luật.
Tiếp theo là việc thực thi, vì nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… Điểm nữa là, nghề cá của Việt Nam là nghề cá nhân dân với hơn 110 ngàn tàu nên thay đổi thói quen đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Việt Nam là một vấn đề cần phải có thời gian.
Đếm ngược tới ngày đổi màu thẻ…
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP cho rằng, việc Việt Nam đang bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, điều này đã gây ra nhiều bất lợi, khó khăn đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam sang thị trường châu Âu và một số thị trường khác có liên quan. Ngoài vấn đề “thẻ vàng” của EC, xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn bị tác động từ chương trình giám sát thủy sản xuất khẩu (Simp) của Mỹ áp dụng cho 13 loài (bào ngư, cá tuyết Đại Tây Dương, ghẹ xanh Đại tây Dương, cá hồng, hải sâm...). Đặc biệt, năm 2019 chương trình này sẽ áp dụng cho tôm. Từ đây, con tôm Việt Nam sẽ chịu nhiều thách thức, rủi ro lớn.
Theo đó, việc bị áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản trong năm 2018 là một thách thức lớn đối với cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản. “Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã tiên lượng trước được nhiều khó khăn và quả thực đúng là vậy. Phía các nhà nhập khẩu đã tăng cường kiểm soát vì họ muốn giảm thiểu rủi ro cho các đơn hàng”, lời ông Nam.
Cũng theo vị đại diện VASEP, ngoài mặt hàng cá ngừ vốn là ngành khai thác thủy sản lớn đã được yêu cầu trích xuất nguồn gốc từ trước để nhập khẩu vào châu Âu trong năm 2018 giữ được tốc độ tăng trưởng, còn lại đều giảm so với các năm 2016, 2017.
Theo báo cáo mới nhất của VASEP, xuất khẩu thủy sản yêu cầu chứng thực nguồn gốc vào châu Âu năm 2018 giảm khoảng gần 7%. Đơn cử như Công ty CP Thủy sản Bình Ðịnh (Bidifisco) - doanh nghiệp từng xuất khẩu khoảng 60 triệu USD/năm, trong đó 70% xuất khẩu sang châu Âu, nhưng do dính “thẻ vàng”, Bidifisco đã bị thiệt hại và ảnh hưởng không hề nhỏ.
“Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, đầu năm 2019, với lần đánh giá tới của EC, Việt Nam sẽ gỡ được “thẻ vàng” về “thẻ xanh” để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào châu Âu được bình thường. Gõ được “thẻ vàng”, năng lực cạnh tranh của Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tăng lên đáng kể”, ông Nam nhấn mạnh.