Người góp phần mở cửa Việt Nam ra thế giới
Câu chuyện khai thông đường bay để mở Việt Nam ra với thế giới được ông Hạnh Nguyễn nhắc đến như là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời kinh doanh của mình. Ông kể, những năm 1980, lệnh cấm vận của Mỹ khiến nền kinh tế và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ngành Vận tải hàng không dân dụng của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn.
Thời điểm này, việc đi lại giữa Việt Nam với các nước còn rất hạn chế, nhất là hàng không gần như chỉ có đường bay tới Bangkok (Thái Lan). Việc mở đường bay TP HCM và Manila (Philippines) trở nên quan trọng để nối Việt Nam ra với thế giới bên ngoài.
“Nói là quan trọng nhưng việc phát triển thị trường và mở các đường bay mới ra nước ngoài lại không hề dễ dàng. Bởi Việt Nam chưa đưa ra chính sách Đổi mới và việc hội nhập quốc tế, nhất là làm ăn với Philippines - một đồng minh thân cận của Mỹ”, ông nhớ lại.
Là kiều bào tại Philippines, từng du học Mỹ về chuyên ngành hàng không, được cử làm Tổng đại diện của Hãng Hàng không Philippines (Philippines Airlines) tại Việt Nam, ông Hạnh Nguyễn nói, lúc đó tự cảm thấy cần phải dốc sức để khơi thông sự bế tắc này.
“Tình hình Philippines rất phức tạp nên lập được đường bay là việc rất gấp. Bằng các mối quan hệ và uy tín, tôi đã vận động các nhà chức trách và lãnh đạo Philippines, đồng thời tích cực hỗ trợ Cục Hàng không dân dụng và các cơ quan Việt Nam để thúc đẩy việc này”, ông kể lại.
Nhớ như in, ông hồi tưởng, tối 4/9/1985, ông cùng Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines Trần Tiến Vinh vào Phủ Tổng thống. Tại đây, ông đã trình Tổng thống Marcos giấy xin phép bay giữa TP HCM – Manila và được Tổng thống ký chấp thuận, dù trước đó việc này từng bị từ chối.
Sự kiện mở đường bay thẳng từ TP HCM - Manila của Hàng không Việt Nam có ý nghĩa rất lớn khi góp phần giúp nước ta phá thế cấm vận của Mỹ, từng bước tiến ra và hội nhập với thế giới.
“Lúc đó, tôi rất sợ bởi có thể bị bắt giam khi dám trình lại việc từng bị Tổng thống từ chối. Nhưng tình yêu đất nước đã tạo động lực cho tôi làm việc mạo hiểm này. Từ đó, ngày 4/9/1985 là ngày tôi không bao giờ quên bởi những thành công của ngành Hàng không dân dụng nói riêng và của đất nước nói chung có một phần đóng góp dù rất nhỏ của mình”, ông chia sẻ.
Đạo kinh doanh luôn tôn thờ chữ Tín
Sau khi mở thành công đường bay, ông cũng là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước tham gia phát triển kinh tế. Với mong muốn đóng góp xây dựng quê hương từ năm 1986, Johnathan Hạnh Nguyễn thành lập và nắm giữ chức Chủ tịch Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Tập đoàn IPP) và đưa tập đoàn kinh tế tư nhân này ngày càng trở nên hùng mạnh.
Trong nhiều năm qua, IPP đã có nhiều hoạt động đầu tư và hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực tại nhiều tỉnh, thành với 47 dự án, tổng số vốn hơn 500 triệu USD và tạo công ăn việc làm cho hơn 25 ngàn lao động; doanh số hàng năm bình quân đạt 542 triệu USD, số tiền đóng thuế ngày càng tăng từ 12 tỷ đồng năm 2006. Từ năm 2010 đến năm 2018 tổng số tiền thuế Tập đoàn này nộp vào ngân sách nhà nước lên tới 9.343 tỷ đồng.
Một trong những điều tạo nên thương hiệu cho IPP là bước đột phá khi là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh thời trang hàng hiệu. IPP đã đầu tư mở rộng hệ thống các cửa hàng hàng hiệu của mình tại TP HCM và Hà Nội với hơn 75 thương hiệu thời trang, đồng hồ nữ trang, đồ da cao cấp hàng đầu thế giới như: Rolex, BVLGARI, Versace, Dolce & Gabbana, Cartier, Bally, Ferragamo, Tumi, Tag Huer, Nike, Banana republic, CK, Tommy Hilfiger, GAP…
|
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn. |
IPP còn xây dựng hệ thống cửa hàng miễn thuế và dịch vụ bán lẻ phi hàng không, đầu tư xây dựng và quản lý Nhà ga quốc tế Cam Ranh năm 2018; đồng thời thành lập chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và nhà hàng cao cấp với 160 cửa hàng khắp các sân bay và toàn quốc.
“Việc kinh doanh những lĩnh vực này hiệu quả, đã mở ra những ý tưởng mới. Năm 2018, IPP tiếp tục đánh dấu với bước ngoặt lớn bằng việc mở rộng kinh doanh bán lẻ sang lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo mở đầu là cửa hàng EDIGI, nhà phân phối bán lẻ và trung tâm bảo hành cao cấp của Apple. Đây là hướng đi mới của IPP”, ông Hạnh Nguyễn nói.
Chia sẻ với PLVN, người đứng đầu IPP nói rằng, tuy có bị ảnh hưởng bởi những biến động của nền kinh tế, nhưng 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu vẫn vượt kế hoạch 17% so với kế hoạch 2018.
IPP đã nộp số tiền thuế và các khoản thu khác đạt tỉ lệ cao so với dự kiến, tăng 20% năm so với 2017. Hàng năm, Công ty nộp và chấp hành đúng các quy định về thuế, các khoản thu khác. Đồng thời có ý thức bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong sản xuất, kinh doanh.
Kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận
Quan sát chặng đường kinh doanh của vị doanh nhân này, có thể nhìn thấy cùng với các dấu mốc phát triển của đất nước, IPP cũng có những bước tiến hết sức mạnh mẽ cho riêng mình. Tuy vậy, với ông chủ IPP, sự thành công trong kinh doanh của IPP cho đến thời điểm hiện tại lại hoàn toàn không chỉ vì lợi nhuận.
Ngoài việc góp công mở đường bay góp phần đưa Việt Nam ra với thế giới, một trong những ý tưởng kinh doanh mà đến nay cũng được nhìn nhận là một trong những thành công lớn nhất mà IPP đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước chính là ý tưởng mở hệ thống siêu thị vùng biên.
Nhớ lại quãng thời gian từ thập niên 90, IPP đúng là một trong những nhà đầu tư khởi xướng trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị tại Việt Nam: Bắt đầu từ siêu thị Miền Đông, siêu thị Bình Dân cũng như hệ thống siêu thị miễn thuế tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam với các nước bạn láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Thế nhưng, thực hiện ý tưởng kinh doanh này lại hoàn toàn không phải là bài toán thuần túy kinh tế. “Xây dựng và phát triển hệ thống siêu thị miễn thuế các vùng biên giới lúc đó là một sự đầu tư mạo hiểm nhưng IPP vẫn quyết tâm thực hiện. Thú thực, việc triển khai đầu tư không vì lợi nhuận cho Tập đoàn mà sự phát triển kinh tế ổn định các khu vực biên giới của đất nước lúc đó cũng là một trong những động cơ thôi thúc tôi ra quyết định”, theo ông Hạnh Nguyễn.
Việc mở hệ thống siêu thị vùng biên của IPP thực sự đã góp phần tạo ra sự “thay da, đổi thịt” trong phát triển kinh tế cho hàng loạt khu vực vốn được xem là vùng sâu, xa và vô cùng khó khăn như: Mộc Bài, Lao Bảo, Tịnh Biên, Móng Cái, Lào Cai… Hệ thống siêu thị của IPP hiện hữu tại các vùng biên cũng đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.
Với phương châm kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì sự phát triển chung, chia sẻ những khó khăn của cộng đồng, trong nhiều năm qua, IPP đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, trường học cho người dân, các em học sinh và nhà ở cho các thầy, cô giáo vùng xa, đóng góp vào các Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, các chương trình xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Ngoài công việc kinh doanh, ông Hạnh Nguyễn còn tham gia nhiều tổ chức thiện nguyện với tư cách Ủy viên Hội đồng Bảo trợ Trẻ em Việt Nam; Phó trưởng ban vận động Quỹ “Vì Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu”.
Những đóng góp của ông đã được ghi nhận, sau 35 năm hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, ông được trao tặng hơn 300 giải thưởng, Huy chương và Bằng khen từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các cơ quan, ban ngành của Nhà nước cho những đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam.
Đặc biệt, ông vinh dự nhận được giải thưởng từ Chủ tịch Hạ viện Philippines cho những đóng góp quan trọng vào sự phát triển trong quan hệ thương mại và ngoại giao giữa Philippines và Việt Nam. Được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2015 và Huy chương Lao động hạng Hai lần hai vào tháng 6/2019.
Dưới sự chèo lái của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPP cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá do các đơn vị có uy tín trong và ngoài nước bình chọn: Top 500 tập đoàn lớn nhất Việt Nam 2019; giải thưởng HR Asia - Công ty có Môi trường Làm việc Tốt nhất châu Á 2019; danh hiệu “Sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu TP HCM năm 2019” và “Doanh nghiệp phát triển bền vững trên 30 năm” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM trao tặng, Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2019.
Chấm giải cuộc thi “Vinh danh Doanh nghiệp doanh nhân thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững”
Sau 8 tháng phát động và đăng tải, Chương trình “Vinh danh Doanh nghiệp, Doanh nhân thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” năm 2019 do Báo PLVN tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tác giả.
Theo dự kiến ban đầu, Báo PLVN nhận bài dự thi từ ngày 10/3/2019 và tổng kết, trao giải Cuộc thi vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, tuy nhiên, năm nay, do lượng bài dự thi gửi về nhiều, các nhân vật được phản ánh phong phú, Ban Tổ chức Cuộc thi đã quyết định dành thời lượng đăng tải bài dự thi đến hết ngày 21/11/2019 và bắt đầu tổng kết, chấm giải từ ngày 22/11/2019.
Hội đồng chấm giải Cuộc thi gồm đại diện nhiều cơ quan, sẽ dành 1 tháng để thẩm định các thông tin được phản ánh và đánh giá thứ hạng các bài viết.
Các tác giả, tác phẩm được lựa chọn sẽ được công bố, trao giải nhân dịp Báo PLVN gặp mặt cộng tác viên và tri ân đối tác cuối năm 2019.
Trân trọng thông báo!
Ban Tổ chức Cuộc thi