Thực tế chỉ ra rằng, không phải ai cũng có khát vọng làm giàu, mặc dù hầu như mọi người đều mong ước cháy bỏng làm sao để có một cuộc sống giàu có. Cái nghịch lý này càng cho thấy vai trò không thể thay thế của DN và xã hội cần phải nhìn nhận họ như những thành viên ưu tú của quốc gia.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, DN luôn là tầng lớp có những đóng góp lớn cho đất nước. Có thể kể đến một số nhà tư sản nổi tiếng như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà…
Ngày nay, cùng với làn sóng hội nhập, phát triển kinh tế, Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ vị thế là điểm đến hấp dẫn, thu hút các nguồn lực cho khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Có thể nói chưa bao giờ vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ DN, doanh nghiệp được xác định và đánh giá cao như hiện tại. Trên mặt trận kinh tế, doanh nghiệp, DN thực sự là lực lượng chủ công: “Doanh nghiệp là tài sản quốc gia và DN là hiền tài của đất nước” như ghi nhận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Đầu tàu của nền kinh tế
Nhắc lại một dấu son đáng nhớ và đầy tự hào của giới DN Việt Nam: 63 năm trước, ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới thương nhân động viên họ tham gia cứu quốc, góp phần kiến thiết đất nước vừa giành lại từ tay thực dân. Xác lập lại vị thế của giới DN cũng như những đóng góp to lớn vào quá trình đi lên của đất nước, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 13-10 hàng năm là Ngày DN Việt Nam. 15 năm qua, kể từ khi có “ngày Doanh nhân Việt Nam”, cộng đồng DN nước ta không ngừng lớn mạnh và khẳng định vai trò của mình.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, nắm bắt tương lai, DN Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần mang lại sức sống cho nền kinh tế Việt Nam, tạo công ăn việc làm, phát triển cộng đồng và xây dựng nền kinh tế đất nước. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, khi các doanh nghiệp đang phải đương đầu với nhiều thách thức, thì bản lĩnh của các DN càng cần được khẳng định và ghi nhận. Chính trong thời điểm nền kinh tế khủng hoảng, nhiều DN không chỉ chèo lái để giúp doanh nghiệp tồn tại mà còn tìm cơ hội để đưa doanh nghiệp đột phá và tạo ra được những lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có trên 715.000 doanh nghiệp hoạt động, trên 5 triệu hộ kinh doanh; số lượng DN khoảng 5-7 triệu người. Khu vực doanh nghiệp dưới các loại hình khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động.
Như vậy, hiện nay, DN Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ DN góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. DN giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi nói về cộng đồng DN, doanh nghiệp đã khẳng định rằng: “Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, hiện nay, đội ngũ DN Việt Nam đã có sự trưởng thành lớn mạnh. Đội ngũ DN Việt Nam là đại diện cho sức sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, sự phát triển của đất nước phụ thuộc nhiều vào khát vọng kinh doanh, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dấn thân của đội ngũ DN. Trong thời đại hiện nay, vị thế của một quốc gia, dân tộc trước hết phụ thuộc vào vị thế kinh tế. Trong khi đó, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ DN, cộng đồng DN. Trên thực tế, những thành tích về tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong những năm qua cũng đã khẳng định sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ DN, cộng đồng DN…”
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, khi nói về vai trò, sứ mệnh của cộng đồng DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng để phát triển đất nước. Hiện kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã liên tục động viên doanh nghiệp khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn cho phát triển. Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu” với “chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà xông vào tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói là không được thành kiến với kinh tế tư nhân, cần phải bình đẳng, công bằng đối với kinh tế tư nhân, phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh.
Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật
Không chỉ có những đóng góp cho kinh tế, với số lượng lên tới hàng triệu người và chất lượng được nâng cao, đội ngũ DN nước ta đã hình thành một tầng lớp xã hội mới, có những đóng góp lớn trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, đội ngũ DN nước ta tham gia ngày càng đông đảo vào các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và có vị thế ngày càng quan trọng hơn trong hệ thống chính trị - xã hội. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có tới 38 đại biểu là DN. Số lượng DN là đảng viên ngày càng tăng, cùng với đó, vai trò của các tổ chức cơ sở đảng ở khu vực kinh tế tư nhân cũng tăng lên. Nhiều tổ chức cơ sở đảng trong các DN đã phát huy tốt vai trò của mình. Những DN tiêu biểu trong đội ngũ này sẽ tham gia ngày càng nhiều hơn, có vai trò quan trọng trong các tổ chức chính trị - xã hội. Đó cũng là quy luật phát triển và là nhân tố thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Phát biểu tại cuộc vận động “Doanh nghiệp, DN đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” Trưởng Ban Kinh tế trung ương - Nguyễn Văn Bình cho biết, Đảng ta luôn chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, xây dựng bồi dưỡng đội ngũ DN, doanh nghiệp có ý thức chính trị, có lòng yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và có ý thức chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn, tự hào dân tộc. Gắn bó mật thiết với lợi ích quốc gia, dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước chúng ta.
Không chỉ vậy, cộng đồng doanh nghiệp, DN Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh. Bởi, DN vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của tham nhũng, vậy nên vai trò của cộng đồng DN trong phòng chống tham nhũng là rất quan trọng.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Cộng đồng DN có khát vọng làm giàu chính đáng, kinh doanh liêm chính sẽ góp phần phòng chống tham nhũng. Cùng với đó là lòng yêu nước, các doanh nghiệp tạo nên những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra toàn cầu. Các doanh nghiệp cần có tinh thần dân tộc, tình yêu nước mới có thể phát triển bền vững”.
Như vậy, cần phải khẳng định một lần nữa, thế hệ DN hôm nay là những người có tầm nhìn và những định hướng chiến lược, tư duy đổi mới và tiên phong để sáng tạo và linh hoạt trong quản lý và tạo ra một môi trường phát triển cạnh tranh lành mạnh, đồng thời đón đầu những xu thế mới để lãnh đạo doanh nghiệp thành công.
Họ đại diện cho tinh thần DN với bản lĩnh sẵn sàng chấp nhận rủi ro và khả năng vượt qua những biến động của thị trường, đồng thời họ có cái “Tâm” của người làm nghiệp kinh doanh, tôn trọng uy tín và sự liêm chính để phát huy khả năng ảnh hưởng không chỉ đối với nội bộ doanh nghiệp, nền kinh tế trong nước mà còn đối với bạn bè quốc tế và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng nói chung.