Không chỉ vậy, lãnh đạo doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi cái mới. Ngoài ra, các chính sách pháp luật đúng đắn, hợp lý cũng góp phần rất lớn mang thành công đến cho doanh nghiệp”.
Từ Đường “Bia” đến Đường “Tháp đôi”
Năm 1979, sau khi xuất ngũ, ông Đường trở thành “tay buôn chuyến” Bắc Nam với ý chí sục sôi làm giàu và suy nghĩ “phi thương bất phú”. Trót lọt được 9 chuyến, đến chuyến thứ 10, ông lại trắng tay khi số hàng lớn “buôn lậu” bị thu giữ toàn bộ. Mộng “đi buôn” thất bại.
Không đầu hàng số phận, ông chuyển hướng học nghề lái xe. Trong thời gian chờ mở lớp đào tạo lái xe, ông làm tạm “chân” đạp xích lô chở bia. Một ngày đi chở bia, ông được trả 1 thùng bia trị giá 60 đồng (tương tương cả tháng lương một kỹ sư khi ấy). Hôm nào trời nóng nực, khan bia thì được trả đến 80 đồng. Kiếm được nhiều tiền bằng công việc này, ông Đường quyết định không học lái xe nữa, xin vào làm chính thức tại Hợp tác xã bia.
Từ năm 1981 – 1986, với nghề đạp xích lô chở bia, ông đã tích lũy một số tiền kha khá, nảy ra ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh. Lúc bấy giờ, nhiều người thân khuyên ông mua nhà trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào cho thuê, đừng làm doanh nghiệp, vừa vất vả vừa phải cạnh tranh. Nhưng nếu như vậy, làm sao có thể giúp đỡ những anh em bạn bè từng đi theo ông?
Từ lý do đó, cuối năm 1986, ông Đường quyết định rút vốn mua đất thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình để tạo công ăn việc làm cho nhiều anh em đồng đội, trong đó có 7 thương binh. Tổ hợp của ông làm nhiều nghề như làm nút chai cho nhà máy rượu đến sản xuất nước ngọt, nước đá, đóng bia…
Năm 1988, khi Nhà nước cho phép phát triển các thành phần kinh tế, ông và các đồng nghiệp chuyển sang làm nhà máy bia và kinh doanh phát đạt. Có ngày nhà máy kiếm được 2 – 3 cây vàng. Ba tháng hè liên tục như vậy, nhà máy làm giàu nhanh chóng từ nghề kinh doanh siêu lợi nhuận này. Cái tên Đường “Bia” bắt đầu xuất hiện.
|
Giữa tháng 7 hàng năm, Cty Thương binh nặng Hòa Bình lại làm lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ. |
Sau đó, ông Đường chuyển sang làm Malt bia (hạt lúa mạch nảy mầm để chế biến bia - NV) và cái tên Đường “Malt” ra đời. Khi đã có của ăn của để, Đường “Bia”, Đường “Malt” làm thêm mảng bất động sản, trở thành “đại gia” bất động sản có tiếng ở đất Hà Thành. Tập đoàn Hòa Bình ngày càng phát triển mạnh mẽ với hàng chục công ty thành viên, tổng tài sản đạt tới nhiều ngàn tỷ đồng.
Một loạt dự án bất động sản được triển khai, xây dựng thành công đã đưa tên tuổi Đường “Bia” gắn với những thương hiệu như: Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội); Hòa Bình Green Apartment (Hà Nội); Hòa Bình Green City (Hà Nội)…
Một trong những dự án mang tính “biểu tượng” của Hòa Bình là tòa tháp quốc tế Hòa Bình. Dự án được xây dựng từ 2004 - 2006 trên khu đất rộng 1952m2 tại số 106 Hoàng Quốc Việt, tổng mức đầu tư 26,1 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng và là địa điểm nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đặt văn phòng đại diện như: Nippon, Systra, Liberty, Nissan, KFC… Sau khi dự án này ra đời, Đường “Bia” có thêm tên Đường “Tháp đôi”.
Công trình nữa góp phần đưa tên tuổi Hòa Bình Group vươn xa là Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng, khởi công từ tháng 3/2016 với quy mô hơn 1800 căn hộ và phòng khách sạn đều đạt tiêu chuẩn 5 sao, tổng diện tích 12500m2. Dự án có bể bơi vô cực dát vàng được xây dựng nóc tòa nhà 29 tầng cùng các thiết bị vệ sinh làm từ kim loại đều được dát vàng 24k.
Với sự đầu tư tỉ mỉ, cuối 2020, Khách sạn Dolce By Wyndham Hanoi Golden Lake (Hà Nội) của Tập đoàn Hòa Bình được Tổ chức Worldkings và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (thuộc Liên minh kỷ lục thế giới – Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam) xác nhận là “Khách sạn có ngoại thất bằng gạch dát vàng với số lượng trang thiết bị nội thất và các món ăn, đồ uống dát vàng nhiều nhất thế giới”.
Ấp ủ công trình để đời
Một dự án ý nghĩa nữa đang được doanh nhân Nguyễn Hữu Đường ấp ủ triển khai là Dự án Trung tâm thương mại (TTTM) OUTLET V+. Nếu được đưa vào sử dụng, đây sẽ là công trình đặc biệt, ý nghĩa xã hội lớn.
|
Phối cảnh Dự án Trung tâm thương mại OUTLET V+. |
Năm 2001 có dịp thăm lại chiến trường xưa, càng cảm nhận sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ đang nằm tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn; Nghĩa Trang Đường 9 và Nghĩa trang thành cổ Quảng Trị, ông Đường cho hay đã suy nghĩ rất nhiều…
Biến ý chí thành hành động, với trách nhiệm xã hội của một doanh nhân, cựu chiến binh, từ 2004 đến nay, ông đã triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện tại các địa danh này. Cũng từ đây, các dự án, công trình Hòa Bình Group triển khai mang dấu ấn đặc biệt hơn và có tính xã hội rộng lớn hơn. Một trong những công trình đó là Dự án TTTM OUTLET V+.
Chia sẻ về dự án ấp ủ bấy lâu nay, Chủ tịch Hòa Bình Group nhấn mạnh: “Muốn cho người dân hết nghèo thì phải tạo cho họ công ăn việc làm và phải làm ra sản phẩm và sản phẩm đó phải tiêu thụ được. TTTM OUTLET V+ có trách nhiệm tư vấn cho người dân sản xuất những sản phẩm mà xã hội thiếu, người dân cần, đồng thời bao tiêu các sản phẩm đó”.
|
Đại sứ Mỹ đến thăm Cty Thương binh nặng Hòa Bình. |
Không chỉ vậy, với suy nghĩ: “Muốn thu hút khách du lịch thì phải có các sản phẩm có chất lượng tốt, giá bán rẻ hơn nơi người ta sinh sống”, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường cho hay: “Toàn bộ hàng hóa được bán tại TTTM đều được mua bảo hiểm để khẳng định chất lượng. Để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các gian hàng sẽ được thuê mặt bằng 10 năm với giá thuê chỉ 1.000 đồng/m2, phí dịch vụ bằng 70% mức phí mà các TTTM trong nước đang thu”.
“Đặc biệt, TTTM này sẽ có 7 trung tâm hỗ trợ có chức năng điều tiết sản xuất, thu hút khách du lịch, quan trọng nhất là gắn kết được các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người nông dân, ngư dân theo phương thức “Tôi mua hàng hóa của anh và anh mua hàng hóa của tôi”, góp phần thúc đẩy nền sản xuất trong nước”.
Để có được một công trình đặc biệt và ý nghĩa xã hội sâu sắc như vậy, ông Đường đã phải đi nhiều nơi thực tế, học hỏi kinh nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế trên thế giới, như tại Trung Quốc, Dubai… Theo ông, để xây dựng và vận hành một TTTM lớn như vậy là vô cùng khó khăn, người đứng đầu doanh nghiệp phải thông minh, nhanh nhạy, biết kết hợp, huy động, sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý. Ông sẵn sàng thuê các chuyên gia chuyên nghiệp, chất lượng cao đến từ các quốc gia khác như: Mỹ, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến làm việc tại các dự án. Tuy nhiên, ông vẫn phải giữ vai trò “nhạc trưởng” trong tất cả các khâu, dự án.
Nói về bí quyết của những thành công hiện tại, “đại gia” Đường “Bia” khiêm nhường khẳng định: “Những gì tôi có được ngày hôm nay phần lớn đến từ may mắn. Ngoài ra sự thông minh, nhanh nhạy, bản lĩnh của người đứng đầu và sự trung thực cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, lãnh đạo doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi cái mới. Ngoài ra, các chính sách pháp luật đúng đắn, hợp lý cũng góp phần rất lớn mang thành công đến cho doanh nghiệp”.