Nền tảng từ một cán bộ Đảng viên
Doanh nhân Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Damsan sinh năm 1955, cái tuổi mà nhiều người đã muốn nghỉ ngơi từ lâu. Ông Đông thì khác, dù đã là một doanh nhân thành đạt, nhưng ông vẫn nung nấu mọi sự khởi đầu cho những điều mới mẻ hơn, lớn lao hơn. Vì thế, người đàn ông đã hơn 60 tuổi vẫn ngày đêm miệt mài làm việc, miệt mài suy nghĩ, vẫn đốt cháy cuộc đời trong những ước mơ, hoài bão cao hơn, xa hơn.
Nói về quan điểm kinh doanh, ông Vũ Huy Đông bộc bạch, doanh nghiệp Việt Nam không còn lợi thế về tài nguyên, về lao động giá rẻ nữa. Đơn cử như hàng dệt may – lĩnh vực Damsan hoạt động – giá lao động tại nhiều quốc gia khác như Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Cambodia, một số nước châu Phi… đã rẻ hơn Việt Nam nhiều.
Do đó, doanh nghiệp của ta cứ bám vào lao động giá rẻ sẽ thất bại. “Để có sức cạnh tranh, chúng ta phải nghĩ đến việc sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn. Máy móc thiết bị phải hiện đại, tính tự động hóa cao, tiêu hao ít năng lượng, chi phí sản xuất phải tiết giảm…”, ông Đông quả quyết.
Nói thêm về doanh nhân Vũ Huy Đông, trước khi thành lập Damsan, ông có thâm niên 35 trong ngành ngoại thương. Học Trung cập ngoại thương, rồi Đại học ngoại thương, ông đi lên từ một anh cán bộ chuyên môn rồi lên đến giám đốc một công ty Nhà nước. “Môi trường Nhà nước là cái nôi lý tưởng để rèn luyện, trưởng thành. Tôi rất biết ơn môi trường đào tạo mà tôi đã trải qua, nó giúp tôi tích lũy cả về kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức”, ông mộc mạc chia sẻ.
Chân dung doanh nhân Vũ Huy Đông |
Nhiều người nghĩ rằng lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước thường trì trệ, kém sáng tạo, chậm đổi mới, ỷ lại… Nhưng ông Đông không nghĩ thế, theo ông cái đó cũng có, nhưng không phải tất cả đều thế. “Nhiều doanh nghiệp khởi nguồn từ Nhà nước nhưng họ năng động còn hơn tư nhân, ví dụ như Vinamilk (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam), Viettel (Tổng công ty Viễn thông Quân đội)…”, ông dẫn chứng.
Theo ông nghĩ, những cán bộ được đào tạo từ Nhà nước ra, nếu thực tâm rèn luyện sẽ có nền tảng rất quý, đó là tư tưởng làm việc rất nhân văn, biết sống làm việc vì cộng đồng. Do vậy, khi mở doanh nghiệp riêng, về làm Chủ tịch và Tổng giám đốc của Damsan, ông Đông vẫn nghĩ cứ làm đúng những gì mình được giáo dục thôi. Ông đã tận dụng tối đa chuyên môn ngành ngoại thương mà mình đã được đào tạo và kinh nghiệm trong mấy chục năm để phát triển thị trường cho Công ty.
Ngoài ra, ông cũng vẫn tiếp tục khơi dậy tính tiên phong, gương mẫu của một cán bộ Đảng viên, đem điều đó ra làm tôn chỉ, ý chí, sức bật cho doanh nghiệp.
Sức trẻ trong người đàn ông U70
Rõ ràng, sự táo bạo mà nhiều người nghĩ rằng thường là lợi thế của thế hệ 8x lại đang được bộc lộ rất hiệu quả ở một doanh nhân thế hệ 5x. Ông không nói suông, những gì mà ông cùng Damsan thể hiện thậm chí đã thay thế được hàng ngàn vạn lời nói.
Samsan ra đời năm ra đời từ năm 2006. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, cha đẻ của Damsan - doanh nhân Vũ Huy Đông - đã nghĩ ngay về đường hướng của một doanh nghiệp hiện đại. Không chấp nhận những cái cũ kỹ, lạc hậu, ông quyết định đầu tư dây truyền công nghệ hiện đại nhất, tiên tiến nhất từ các quốc gia như Đức, Thụy Sỹ, Italia, Nhật Bản…
Đó là quan điểm đầu tư, còn về công nghệ quản lý, ông đã sớm đưa mô hình quản lý 5S của Nhật Bản vào vận hành doanh nghiệp. 5S là chữ cái đầu của các từ tiếng Nhật: “Sere”, “Seiton”, “Seiso”, “Seiketsu” và “Shitsuke”. Theo tiếng Anh là: “Sort”, “Set in order”, “Standardize”, “Sustaint” và “Self-Discipline”. 5 từ này khi được dịch sang tiếng Việt cũng tạo được 5 chữ S là “Sàng lọc”, “Sắp xếp”, “Sạch sẽ”, “Săn sóc” và “Sẵn sàng”.
Ông Đông chia sẻ, 5S là nền tảng cơ bản để thực hiện các hệ thống đảm bảo chất lượng. Nó xuất phát từ quan điểm: Nếu làm việc trong một môi trường lành mạnh, sạch đẹp, thoáng đãng, tiện lợi thì tinh thần sẽ thoải mái hơn, năng suất lao động sẽ cao hơn. Đó là điều kiện căn bản để việc ứng dụng vận hành hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và hiện đại. Tất cả các nhà máy của Damsan từ khi lên ý tưởng, đến khi xây dựng và đi vào vận hành đều dựa trên những nền tảng cơ bản này.
Ông Vũ Huy Đông dẫn đoàn khách Nhật Bản thăm quan xưởng sản xuất khăn của Damsan |
Nhà máy đầu tiên được Damsan đầu tư từ tháng 6/2006 là Nhà máy Damsan I với tổng vốn đầu tư 121 tỷ đồng, công suất 2.880 tấn sợi OE/năm tại khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, TP. Thái Bình, với các máy móc chính nhập từ Đức và Thuỵ Sỹ.
Tháng 6/2010, Damsan tiếp tục mở rộng đầu tư Nhà máy Damsan II với tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, với công suất là 3.600 tấn sợi OE/năm và 720 tấn khăn/năm tại Khu công nghiệp Gia Lễ, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Các máy móc dây chuyền công nghệ được nhập khẩu từ Đức, Thụy Sỹ, Nhật Bản. Năm 2015, Damsan tiếp tục đầu tư thêm các nhà máy mới như "Dự án nhà máy kéo sợi Eiffel” (nhà máy Damsan III) với vốn đầu tư 282 tỷ đồng và Nhà máy Dệt khăn cao cấp có vốn đầu tư hơn 87 tỷ đồng. Hiện tại, Nhà máy Damsan III đã đi vào hoạt động 100% công suất.
Đến thăm các nhà máy của Damsan có thể thấy rõ sự khác biệt của từng nhà máy đã được đầu tư trong từng giai đoạn khác nhau. Người “anh cả” là Nhà máy Damsan I (đầu tư năm 2006) trong một số công đoạn vận hành vẫn cần sự can thiệp của sức người. Nhà máy trẻ tuổi hơn mang tên Damsan III (đầu tư năm 2015) đã có dáng dấp khác hẳn, cả một chuỗi dây truyền vận hành trên diện tích hàng nghìn m2 chỉ một vài công nhân giám sát, toàn bộ dây truyền gần như tự vận hành.
Tuy nhiên, ước nguyện làm chủ công nghệ của ông Đông và các cộng sự không chỉ dừng ở đây. Ông nói, sự thay đổi công nghệ gần như diễn ra hàng ngày, cách đây 10 năm chúng ta vẫn dùng cái điện thoại “cục gạch” đủ nghe và gọi là thấy hài lòng rồi, nhưng giờ đây cái điện thoại thông minh (smartphone) mà ta dùng đã khác quá xa với cái điện thoại 10 năm trước. Bởi vậy, tôn chỉ của Damsan cũng vẫn xác định tiếp tục đầu tư những gì tiên tiến nhất để tạo sự bùng nổ về năng suất.
Tuổi cao, chí càng lớn
Ngồi với người “thuyền trưởng” của Damsan, doanh nhân Vũ Huy Đông- cảm nhận rõ nét về ước nguyện của vị Chủ tịch doanh nghiệp dệt may này là một khát vọng làm một việc lớn lao nhất trong sự nghiệp hơn 10 năm của Damsan. Đó là Dự án Nhà máy Damsan IV, “Dự án đầu tư xây dựng nhà máy kéo sợi nồi cọc” dự kiến đặt tại Khu công nghiệp xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong khuôn viên 70.000 m2. Riêng dự án này cũng sẽ đủ cho doanh nhân Vũ Huy Đông và các đồng sự đủ “quay như chong chóng”.
Đương nhiên, sự bận rộn và đối diện với những thử thách mới thường sẽ tạo cảm giác hứng thú cho ông Đông. Lần này cũng không phải là ngoại lệ, ông khát vọng sẽ làm một “cú nổ lớn”, thay đổi hoàn toàn diện mạo của Damsan. Tổng đầu tư dự kiến cho Dự án Nhà máy Damsan IV dự kiến lên tới gần 725 tỷ đồng – tương đương số tiền đầu tư tất cả các dựa án trước đó cộng lại.
Rõ ràng, Nhà máy Damsan IV sẽ là một cuộc dấn thân mang tính cách mạng trong sự nghiệp của ông. Nó là hiện thân của ý chí không ngừng vươn lên, không ngừng làm việc và sáng tạo của doanh nhân Vũ Huy Đông. Tôi tin rằng ông sẽ tiếp tục thành công, bởi ông có đủ tố chất để hiện thực hóa ước mơ của mình: Tuân thủ kỷ cương, cẩn trọng nhưng rất quyết đoán, khi đã làm thì dấn thân đến cùng, biết tận dụng thời cơ và không ngại khó khăn...
Ông Vũ Huy Đông dẫn đoàn khách Nhật Bản thăm quan xưởng sản xuất khăn của Damsan |
Vài chia sẻ thú vị của doanh nhân Vũ Huy Đông
Tôn chỉ kinh doanh của ông là gì?
- Doanh nghiệp trước hết là phải thượng tôn luật phát. Thứ hai là thấu hiểu thị trường, thị trường cần gì mình phải đáp ứng được.
Từng làm giám đốc cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, ông thấy vị trí nào “oai” hơn?
- Trước đây làm ở Nhà nước nghe oai hơn tư nhân. Tâm lý mọi người thời xưa thường đề cao ông giám Nhà nước hơn ông giám đốc tư nhân, nhưng bây giờ thì quan điểm đó thay đổi rồi.
Mấy năm trước, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng và Hiệp định Đối tác chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP và điều này có thể làm giảm cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, ông có lo ngại điều gì không?
Công ty Damsan xác định là nếu TPP được thực thi thì ta có nhiều việc làm và sức cạnh tranh hàng hóa cao hơn, nhưng chúng ta đừng ảo tưởng cứ vào TPP là tiền của sẽ chảy vào túi mình. Muốn được hưởng lợi từ TPP thì các doanh nghiệp cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, cũng phải lao động cật lực.
Do đó, chúng ta cũng không nên lạc quan hão với TPP, muốn tồn tại và trưởng thành thì chúng ta nên xác định đi bằng đôi chân. Các Hiệp định thương mại là lợi thế cho ngành dệt may, nhưng chúng tôi không ỷ lại và Hiệp định, có thì tốt, không có thì chúng tôi vẫn quyết tâm vươn lên và phát triển không ngừng.