Theo đó, trong năm 2017, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt xấp xỉ 129 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với năm 2016 và đây là một tỷ lệ khá cao nếu so sánh với khu vực Đông Nam Á. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó gần 70% ở độ tuổi lao động, 34% sinh sống ở đô thị và GDP khoảng 2.385 USD/người (tăng 10% mỗi năm), thị trường bán lẻ tại Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng vô cùng lớn. Hà Nội và TPHCM là hai đô thị phát triển nhất, với tổng số mặt bằng bán lẻ vào khoảng 2,5 triệu m².
Dự báo, trong giai đoạn 2018-2021, ước tính thị trường bán lẻ Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh chóng để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của các nhu cầu về giải trí (với mức tăng xấp xỉ 10%), tạp hóa hiện đại (tăng vào khoảng 9% hàng năm) và thời trang (tăng tầm 6% hàng năm). Những dịch vụ cá nhân như gym, trung tâm thể dục và rạp chiếu phim cũng được dự đoán mở rộng với những tiêu chuẩn cao cấp hơn.
Các nhà phát triển nước ngoài như TCC Group & Central Group từ Thái Lan, Mapple Tree & Kepple Land từ Singapore, Lotte & Emart từ Hàn Quốc, hay Aeon & Takashimaya của Nhật Bản đều có dự định đầu tư mạnh vào Việt Nam góp phần thúc đẩy sự năng động của thị trường và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm cũng như dịch vụ chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quen thuộc với việc sử dụng internet, thiết bị điện tử cũng như xu hướng thanh toán bằng thẻ tín dụng, cùng sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, cũng sẽ là những thành tố quan trọng để thúc đẩy và thay đổi thị trường bán lẻ tại Việt Nam.