Đây là lễ hội do Ban Tổ chức Thát Kôn phối hợp với UBND huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) tổ chức
Do đây là lễ lớn tại Sóc Trăng và khu vực ĐBSCL nên hầu như trong ngày đầu tiên diễn ra lễ hội (sáng 21/4), mọi người phải chen chân nhau mới đến được nơi thờ Thát Kôn để cúng bái.
Lễ hội Thát Kôn còn được dân gian gọi là lễ hội Cúng Dừa, vì thức cúng chủ yếu trong lễ hội này là hàng ngàn trái dừa tươi.
Đây là lễ hội lớn ở đồng bằng Sông Cửu long |
Lễ hội Thát Kôn đã tồn tại gần trăm năm, gắn với truyền thuyết về chiếc Cồng Vàng của vùng An Trạch xưa. Truyền thuyết ấy kể rằng: ngày xưa ở An Trạch tự nhiên nổi lên một cái gò hình dạng như chiếc cồng. Chân người dẫm lên phát ra âm vang như tiếng cồng. Được ít lâu, tiếng cồng trong gò đất nhỏ dần rồi mất hẳn.
Đồng bào Khmer xã An Hiệp huyện Châu Thành tổ chức lễ Cầu an Thát Kôn, hay còn gọi là lễ Cúng Dừa, vì ai đến dự lễ này cũng phải mua một cặp dừa để cúng ông tà Thát Kôn.
Hàng ngàn người khắp nơi đổ về lễ hội |
Nhân gian bèn lập một ngôi miếu thờ. Hàng năm, dân làng An Trạch cùng nhau tổ chức lễ hội cầu an ở miếu này và gọi đó là lễ hội Thác Côn. Trong tiếng Khmer, Thát Kôn có nghĩa đạp cồng, gợi lại sự tích về tiếng cồng chiêng vang lên từ đất. Lễ hội Thát Kôn có lệ cúng những chiếc bình bông làm bằng trái dừa. Nét độc đáo của vật cúng khiến người ta còn gọi lễ này bằng cái tên lễ Cúng Dừa.
Cho đến nay, vẫn chưa có ai khẳng định lễ Cúng Dừa xuất hiện từ thời điểm nào, bởi khi họ sinh ra thì lễ này đã được tổ chức hàng năm và bà con cứ làm theo truyền thống của người xưa. Tuy nhiên, theo các cụ trưởng bối kể lại, thì lễ này đã có niên đại trên 100 năm, vì khu vực này trước đây tàu, bè lưu thông được dễ dàng.
Lễ hội Thát Kôn có tục lệ cúng những bình bông làm từ trái dừa |
Theo tục truyền có một nhóm trẻ khi đang chăn trâu, phát hiện có gò đất nổi lên, chúng lấy chân đạp thử lên mô đất ấy, bỗng nhiên có tiếng vang vọng từ trong lòng đất phát ra “keng, keng, keng” như tiếng đánh cồng chiêng. Thấy lạ, mọi người ai cũng đến đạp thử, thì đều nghe tiếng vọng. Thời gian sau này, có một phụ nữ bụng mang dạ chửa cũng muốn đạp xem có nghe tiếng cồng chiêng như mọi người nói hay không? Khi chị lấy chân đạp lên mô đất, thì không nghe thấy gì nữa. Trước hiện tượng này, đồng bào Khmer đặt tên địa danh này là “Thát Kôn” theo tiếng Việt là “đạp cồng chiêng”.
Đây cũng là một lễ hội cầu an của người Khmer |
Lễ hội Thát Kôn cũng như lễ Cầu an, Cầu phước của đồng bào Khmer nên tính chất nông nghiệp của nó thể hiện ngay trong các lễ vật dâng cúng là những thứ hoa trái giàu sắc thái bản địa của cộng đồng các dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long như trầu cau, hoa sen và trái dừa. Các thứ hoa trái tượng trưng cho sự thanh khiết và thiêng liêng ấy tập trung trên một vật cúng hết sức đặc biệt mà đồng bào Khmer gọi là Slathođôn – bình bông làm bằng trái dừa. Phần cây bông được tạo thành bởi những lá trầu xanh và những bông hoa. Miếng trầu, lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức đám cưới, giỗ cúng tổ tiên của các dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long được cụm thành chiếc lá để trang trí cho Slathođôn.
Ông Thao Tô Dê, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội Thát Kôn cho biết lễ hội cúng dừa năm nay số lượng người đến dự đông hơn mọi năm, lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày từ ngày 15 đến hết ngày 17/3 âm lịch.