Hà Tĩnh: Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập

(PLO) - Sáng 23/4, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2016).
Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Dự lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và Đoàn đại biểu hai tỉnh Khammouane và Borikhamxay của nước bạn Lào.

Hà Tĩnh: Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập ảnh 1
Dự lễ kỉ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều đồng chí nguyên lảnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước

Mở đầu buổi lễ là chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Hà Huy Tập mãi mãi ngọn cờ chiến thắng” ca ngợi tấm gương cách mạng kiên trung, sáng ngời của Tổng Bí thư Hà Huy Tập - vị lãnh tụ kiệt xuất của Đảng Cộng sản Việt Nam, người con kiên trung của quê hương Hà Tĩnh.

Tại buổi lễ, ông Lê Đình Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng sôi nổi của Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, nhà lý luận xuất sắc của cách mạng Việt Nam, tấm gương kiên trung bất khuất hiến dâng trọn đời cho Đảng và dân tộc, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh.

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, Tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Từ một người yêu nước, thương dân, đồng chí Hà Huy Tập đã đến với chủ nghĩa Mac-Lenin, trở thành chiến sĩ cộng sản.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản tại Moscow (Liên Xô trước đây), giữa năm 1933, ông trở về nước hoạt động và có đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc khôi phục hệ thống tổ chức và cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Tháng 4/1933, đồng chí bí mật tới Trung Quốc, cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Dựt thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài để chỉ đạo, khôi phục lại các tổ chức Đảng ở trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930 - 1931 và chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng.Trong Ban Chỉ huy ở ngoài, đồng chí Hà Huy Tập phụ trách tuyên truyền và là Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích.

Từ tháng 7/1936 đến tháng 3/1938, đồng chí Hà Huy Tập hoạt động trong nước và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng. Ngày 1/5/1938, trong khi đang đi công tác, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt, sau đưa về giam tại Sài Gòn và Nghệ An.

Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc

Ngày 28/8/1941, tại trường bắn Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP.HCM) đồng chí bị thực dân Pháp xử bắn cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần...Trước tòa án thực dân, đồng chí Hà Huy Tập đã khảng khái nói: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn tiếp tục hoạt động!”.

Những ngày cuối cuộc đời, trong thư gửi về gia đình, đồng chí viết: “Nếu tôi bị giết, gia đình và bạn hữu chớ xem tôi như người đã chết mà phải buồn. Trái lại, nên xem tôi như người còn sống, nhưng đi vắng thời gian vô hạn mà thôi”.

Với 35 năm tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng, trong đó gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng vững bước tiến lên.

Đồng chí Hà Huy Tập là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, là người có cống hiến to lớn vào việc khôi phục, củng cố, phát triển Đảng Cộng sản Đông Dương góp phần quan trọng phát triển sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng phù hợp với tình hình mới; cống hiến to lớn trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; là người đặt nền móng cho sự  hình thành khoa học lịch sử Đảng; là chiến sĩ cách mạng hiến dâng trọn đời cho Đảng và dân tộc. Công lao to lớn của đồng chí được Đảng và Nhân dân mãi mãi ghi nhớ./.

Đọc thêm