Độc đáo nghề kết Long mã tại Quảng Yên

0:00 / 0:00
0:00
Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Ngô Đình Tám (sinh năm 1963), ở làng nghề kết Long mã tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, từng loại quả được tạo hình, sắp xếp kết thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Long mã là hóa thân của kỳ lân (một trong tứ linh), là một linh vật thủ đắc tất cả những phẩm chất tốt đẹp, với sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa, được mô tả là có sừng và bờm của rồng, mình của con hươu xạ, đuôi bò, trán sói, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng của ngựa. Đây là một con vật hình tượng, nửa thực nửa hư, được cư dân vùng quê Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh rất coi trọng trong thờ cúng, nhất là vào các dịp lễ hội, Tết đến xuân về hay trong Lễ mừng thọ của các bậc cao niên.

Long mã tượng trưng cho sự uy nghi hùng dũng, sự tiến hóa vạn vật. Trong nghệ thuật trang trí, hình ảnh Long mã luôn gắn liền ước vọng về một thế giới an lạc, thái bình và thịnh vượng.

Long mã là một trong tứ linh – hội tụ tất cả những phẩm chất tốt đẹp, với sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa, qua bàn tay khéo léo của người làm nghề.

Long mã là một trong tứ linh – hội tụ tất cả những phẩm chất tốt đẹp, với sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa, qua bàn tay khéo léo của người làm nghề.

Bên cạnh đó, hình tượng Long mã còn dành ban tặng cho tuổi thọ, đức hạnh con người. Nhiều gia đình bày trên bàn thờ ngày Tết vừa như phô diễn gia phong thịnh vượng, vừa như thể hiện khát vọng phúc lộc luôn tràn đầy trong cuộc đời.

Tại phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, gia đình ông Ngô Đình Tám là một trong những số ít những gia đình còn giữ nghề kết Long mã truyền thống.

Với gần 40 năm gắn bó với nghề, Long mã do ông Tám kết được mọi người khắp nơi trong vùng từ Hạ Long, Cẩm Phả, thậm chí Hải Phòng đều biết tới.

Ông Ngô Đình Tám - một trong số ít những nghệ nhân còn lưu giữ nét đẹp văn hóa của làng nghề kết Long mã ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Ông Ngô Đình Tám - một trong số ít những nghệ nhân còn lưu giữ nét đẹp văn hóa của làng nghề kết Long mã ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Vừa tỉ mẩn xếp từng sắp chuối, quả cau để tạo hình cho Long mã, ông Ngô Đình Tám vừa cho biết, Long mã là một trong tứ linh – hội tụ tất cả những phẩm chất tốt đẹp, với sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa. Hình ảnh Long mã vô cùng linh thiêng, nó thể hiện cho sự tri ân, biết ơn tổ tiên.

“Nghề làm Long mã có nguồn gốc từ kinh thành Thăng Long xưa, theo những vị tiên công khai phá vùng đảo Hà Nam từ thế kỷ XV mà tọa ở vùng đất ven sông Bạch Đằng này. Linh vật thiêng liêng này còn mang theo nguyện ước của người dân. Theo quan niệm dân gian xưa, “tứ hải long vương” - long vương là vua của bốn biển. Đầu rồng mang ý nghĩa trị thủy, thể hiện ước mơ về sức mạnh người dân vùng biển muốn vươn lên chế ngự thiên nhiên, làm chủ đời sống. Thân mã mang sức dẻo dai của ngựa vượt đường xa.

Thiên nhiên xưa kia luôn ẩn chứa nhiều tai họa. Vì vậy người dân quanh vùng gửi gắm ước mơ vào Long mã. Thờ con vật đầu rồng mình ngựa với ước vọng sẽ chế ngự được mọi bề trong trời đất, cầu mong con người sẽ có được sức mạnh tổng hợp, bất cứ lúc nào cũng có thể chống đỡ, chiến thắng sóng to gió lớn”, ông Ngô Đình Tám cho hay.

Việc tạo hình Long mã đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, óc sáng tạo và cái tâm với nghề.

Việc tạo hình Long mã đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, óc sáng tạo và cái tâm với nghề.

Tại Phong Cốc, Quảng Yên có các dòng họ Lê, họ Tô và họ Ngô là biết cách làm nghề. Bản thân ông Tám là đời thứ 6 trong dòng họ Ngô duy trì và giữ gìn nét văn hóa, truyền thống này của tiên tổ.

Để làm nên một con Long mã, ông Tám cho hay người làm nghề không chỉ có sự tỷ mỉ, kiên trì, niềm đam mê, óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo mà còn là cả sự tôn kính của người làm nghề với các bậc tiền nhân, các bậc cao niên và cái tâm với nghề.

Mỗi một con Long mã được kết thành đều có nét độc đáo riêng biệt của từng nghệ nhân làm ra nó. Nhưng tựu chung lại, mỗi con Long mã đều được làm từ 5 loại quả của chính vùng quê nơi đây với tổng trọng lượng hàng chục kilogram.

Đu đủ được kết làm đầu, tai và mũi Long mã. Mắt được làm từ quả cau non.

Đu đủ được kết làm đầu, tai và mũi Long mã. Mắt được làm từ quả cau non.

Đầu Long mã có đủ mang, tai, râu, tóc và đôi mắt long lanh. Mỗi một bộ phận trên đầu được người nghệ nhân khéo léo kết tạc từ quả đu đủ xanh. Mũi rồng được đính từ quả đu đủ non, với kích thước nhỏ hơn. Mắt được kết từ 2 trái cau non, cổ 5 ngấn và chân được xếp từ những nếp hoa chuối sinh động. Thân Long mã được xếp bằng những quả chuối tiêu còn xanh, được úp ngược lại tạo thành hình. Mỗi quả chuối đều được lựa chọn kỹ càng để quả nào quả lấy đều đều tăm tắp.

Hình tượng Long mã đang được hoàn thiện.

Hình tượng Long mã đang được hoàn thiện.

Phần đuôi của Long mã được kết bằng những chùm hoa sập chim (một loại cây thân mộc như dừa, cau; người ta thường dùng cành lá kết vòng ngụy trang che bàn sập bẫy chim nên quen gọi là cây sập chim).

Để Long mã trở nên sinh động và có hồn, ông Tám điểm xuyết thêm các bông hoa cúc, thược dược, quýt... Các công đoạn được lắp ghép, tạo hình lên một con Long mã hoàn chỉnh trong vòng 3-4 giờ.

Để tạo ra hình tượng một Long mã, nghệ nhân phải mất 3-4 giờ làm việc liên tục.

Để tạo ra hình tượng một Long mã, nghệ nhân phải mất 3-4 giờ làm việc liên tục.

Điều khó nhất theo nghệ nhân này là làm sao để tạo được cái thần của Long mã. Đó không chỉ là nghệ thuật sắp xếp giống như mâm ngũ quả, mà là sự khéo léo, đầu óc tính toán kỹ lưỡng của người làm. Làm sao để đưa những đường cong của chuối, ớt đỏ để làm nanh, tạo hình cau làm mắt cho tới tai, tóc, thân, chân... Tất cả đều phải hài hòa làm sao cho Long mã có sự uy nghi, vững chãi và quan trọng hơn là toát ra cái “thần”.

Long mã thường chỉ được làm trong những dịp đặc biệt: Để tri ân tiền nhân, sử dụng trong lễ mừng thọ, lễ rước, trong lễ cầu mưa, quốc thái dân an đầu năm... Với những giá trị đó, nghề kết Long mã đã góp thêm cho đời sống người dân nơi đây một loại hình nghệ thuật mang tính văn hóa cao.

Giữa cuộc sống sôi động ồn ào, nhiều giá trị vô giá bị mai một nhưng có không ít người nghệ nhân như ông Ngô Đình Tám vẫn lặng lẽ, kiên định gìn giữ những giá trị xưa cũ như thế...