Được biết, người Igorot ở Philippines chia thành hai nhóm: nhóm lớn hơn sinh sống ở các khu vực miền Nam, miền Trung và Tây. Nhóm nhỏ hơn nằm ở phía Đông và phía Bắc đất nước.
Tộc người này nổi tiếng với tập tục tang lễ truyền thống là mang thi thể người thân trong gia đình hoặc dòng tộc mình đặt trong một chiếc quan tài bằng khúc gỗ đã đục khoét đủ vừa để đặt. Thay vì đào huyệt chôn người chết thông thường, họ lại treo quan tài bên trong các hang động hoặc trên vách đá.
Cổ tục 2000 năm
Ngôi làng của người Igorot hẻo lánh nằm gọn trong dãy núi Cordillera Central ở iền bắc Luzon, hòn đảo lớn nhất và đông dân cư nhất của Philippines. Đó là một nơi gập ghềnh nằm cách Manila 8 giờ rưỡi lái xe, nhưng những ai sẵn sàng lên đường sẽ được chứng kiến một tập tục cổ vừa khiến người xem vừa sợ hãi, lại vừa đáng nhớ.
Từ cách đây 2.000 năm, người Igorot đã đặt người chết vào trong các cỗ quan tài được đẽo bằng tay thô sơ, sau đó mai táng bằng cách treo quan tài lơ lửng trên vách đá, trong hang hoặc trên mỏm núi. Họ tin rằng đây là cách khiến người chết đến gần với các linh hồn tổ tiên hơn.
Tuy nhiên, dân làng cho biết tập tục này còn mang một ý nghĩa khác. “Người già sợ bị chôn dưới đất khi qua đời, bởi vì họ biết rằng nước sẽ thấm xuống đất và xác của họ nhanh chóng thối rữa. Bởi vậy, họ muốn một nơi mà thi thể của họ được an toàn. Hơn nữa, treo quan tài trên cao sẽ tránh được động vật ăn thịt hay bị nước lũ cuốn trôi”, bà Soledad-một thành viên của bộ tộc Igorot giải thích
Người Igorot ở Philippines |
Những cỗ quan tài ở đây rất đặc biệt. Người Igorot khoét rỗng một thân cây nguyên chứ không dùng gỗ ghép lại. Theo truyền thống, những người cao tuổi trong làng sẽ phải tự tay đục lỗ quan tài từ một cây thông chặt trong làng và sơn tên của mình lên trên.
Khi qua đời, thi thể người chết sẽ được đặt ngồi trên một chiếc ghế gỗ gọi là “Chiếc ghế tử thần”, cố định bằng dây mây rồi phủ kín bằng chăn trong vài ngày. Hành động này nhằm để mọi người bày tỏ sự tôn kính lần cuối. Sau đó, đem hun khói nhằm làm chậm quá trình phân hủy trong vài ngày tổ chức tang lễ. Thi thể hướng ra ngoài cửa chính để người thân thăm viếng.
Lễ cầu nguyện cho người chết cũng được tổ chức trong nhiều ngày trước khi người quá cố được treo lên vách núi. Lợn và gà sẽ được giết để mời các thành viên trong cộng đồng. Nghi thức truyền thống yêu cầu cần có 3 con lợn và 2 con gà, nhưng những gia đình không có điều kiện, thì có thể thịt 2 con gà và 1 con lợn, miễn sao số lượng là 3 hoặc 5.
Khi nghi lễ cầu nguyện kết thúc, người chết được chuyển từ ghế sang quan tài. Trước đây, do quan tài chỉ được phép dài 1 mét nên buộc phải đập gãy xương người quá cố và đặt họ trong tư thế chân chạm cằm giống như thai nhi trong bụng mẹ. Người Igorot tin rằng, một con người nên ra đi theo cách họ đến với thế giới này.
Tuy nhiên giờ đây, các quan tài treo thường được làm to hơn, dài khoảng 2 mét, thi thể người chết được giữ nguyên vẹn mà không cần đập gãy xương. “Ngày nay, quan tài dài hơn và to hơn vì mọi người sợ rằng cách chôn như trước đây có thể làm gãy xương thân nhân quá cố của họ”, bà Soledad cho hay.
Việc treo quan tài trên vách đá rất khó khăn. Do vậy, những thanh niên khỏe mạnh, leo trèo giỏi sẽ được cắt cử đi đóng các chốt sắt vào vách núi. Khi quan tài được kéo lên vị trí trên cao, người thân trong gia đình sẽ đứng bên dưới để chất lỏng chảy ra từ xác chết đang phân hủy rơi xuống người mình, bởi họ tin rằng điều đó sẽ đem lại may mắn.
Cách mai táng người chết kỳ lạ này không chỉ là tập tục truyền thống, nó còn xuất phát từ suy nghĩ thực tế là không muốn nguồn tài nguyên đất canh tác quý giá của mình bị ảnh hưởng bởi những hóa chất, hay vật dụng không thể phân hủy mà người ta thường có xu hướng chôn theo cùng với thi thể.
Hơn nữa, việc này có tác dụng lớn trong việc tiết kiệm diện tích đất. Theo thời gian, số lượng quan tài treo trên vách đá càng nhiều. Dù được đóng chắc chắn là vậy nhưng qua thời gian, có khá nhiều quan tài rơi khỏi vách và rớt xuống vực sâu, chỉ còn số ít là vượt qua được con số 100 năm.
Quan tài treo lơ lửng trên vách đá của người Igorot. |
Trong khi những chiếc quan tài mới lại tiếp tục treo lên thay vào vị trí quan tài đã rớt. Họ đặt lẫn lộn những chiếc quan tài mới cũ với nhau và phân biệt tuổi đời của chúng dựa vào màu sắc của gỗ.
Những “nghĩa trang” dựng đứng
Trước đây, chẳng mấy ai để ý nhiều đến khu chôn cất kỳ lạ của người Igorot. Nhưng trong vài năm trở lại đây, dòng lữ khách hiếu kỳ bắt đầu kéo tới Sagada để tham quan những ngọn núi, hang động chằng chịt quan tài người chết treo trên đó. Kiểu nghĩa trang dựng đứng này hóa ra lại trở thành nguồn thu nhập tốt cho người dân Igorot, giúp họ có nguồn thu nhập để nâng đời sống kinh tế cho cả làng.
Tuy nhiên, thời nay số lượng quan tài treo cao ở Sadaga đã giảm đi rất nhiều so với thời các thế hệ trước, chỉ có người cao tuổi ở Sagada mới theo truyền thống cổ xưa, mai táng quan tài trên vách đá. Thế hệ trẻ hơn đã thích nghi với cuộc sống hiện đại và bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của đạo Thiên chúa rất phổ biến ở Philippines.
“Thế hệ trẻ muốn giữ truyền thống của cha ông, nhưng họ thích chôn người thân qua đời trong nghĩa trang và tới thăm mộ vào ngày lễ Các Thánh. Họ không thể trèo và thăm các quan tài trên vách núi. Do vậy, truyền thống này đang ngày càng mai một”, Soledad nói.
Nhưng không phải tất cả thế hệ trẻ đều nghĩ thế, một số người vẫn muốn duy trì truyền thống này. Điển hình là cô Bangyay, một hướng dẫn viên du lịch, đồng thời cũng là thành viên của người Igorot. Bản thân Bangyay tin tưởng mạnh mẽ rằng truyền thống này sẽ được duy trì và bản thân cô cũng hy vọng một ngày nào đó khi qua đời, cô cũng sẽ được đi vào cõi vĩnh hằng theo cách này.
Du khách tham quan chụp ảnh trước khu mai táng trên vách đá. |
Nói đến treo người chết trên vách đá, người Igorot ở Philippines không phải là duy nhất. Tục mai táng trên vách núi truyền thống của dân tộc Sa'dan Toraja sống ở vùng cao Sulawesi, Indonesia. Họ tổ chức đám ma 2 lần. Lần đầu là khi một người thân trong gia đình qua đời, thi thể của họ sẽ được bảo quản trong quan tài đặt trong những ngôi nhà thờ tổ tiên được gọi là Tongokonan.
Người chết lúc này vẫn được mặc những bộ quần áo đẹp nhất, thường xuyên được tắm rửa và thậm chí còn người nhà cho ăn mỗi ngày. Sau một thời gian, người Toraja mới tiến hành nghi lễ mai táng lần 2, mang quan tài treo trên vách núi. Họ tin rằng ở nơi giao thoa giữa trời và đất, linh hồn có thể nhìn thấy con đường đi sang thế giới bên kia.
Hay bộ tộc người Bo ở Tứ Xuyên, Trung Quốc cũng gần tương tự. Quan tài của người Bo có nhiều hình dạng khác nhau nhưng chủ yếu là từ thân cây gỗ. Họ quan niệm, mai táng trên cao một phần để thú rừng không thể lấy xác và cũng có thể ban phước cho linh hồn người chết được siêu thoát vĩnh hằng.
Hơn nữa, vị trí treo quan tài càng cao càng thể hiện địa vị của người quá cố trong xã hội người Bo xưa và con cháu của người quá cố sẽ gặp nhiều thuận lợi và may mắn.