Vì tỷ lệ phiếu bầu của cử tri được phân bổ trong kết quả bầu cử cho nhiều đảng phái và phe cánh chính trị khác nhau nên không có đảng nào hoặc phe cánh nào có đủ đa số để thành lập chính phủ. Chuyện liên minh, liên kết hay liên quân giữa các phe phái này lại thường rất khó khăn vì quan điểm chính sách và ý thức hệ rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Nhưng sau lần bầu cử quốc hội mới đây ở nước này, đảng Lega và phong trào Năm ngôi sao hợp lực có được đa số trong quốc hội và thoả thuận thành lập được chính phủ liên hiệp, nhanh chóng và dễ dàng. Theo luật pháp hiện hành ở Italia, trước khi quốc hội phê chuẩn chính phủ mới thì các thành viên chính phủ mới phải được sự chấp thuận của tổng thống.
Luật như vậy trong khi cái lệ xưa nay là tổng thống luôn và phải chấp thuận nhân sự của chính phủ mới và việc chấp thuận này chỉ là hình thức. Cái lệ này có gốc rễ ở chỗ tổng thống không nắm thực quyền và phải đảm bảo ổn định chính trị cho đất nước bằng việc phê chuẩn nhân sự của chính phủ mới mà khó khăn vất vả lắm mới thành lập được ở Italia.
Đảng Lega và phong trào Năm ngôi sao thoả thuận thành lập chính phủ liên hiệp. Việc phê chuẩn chính phủ trong quốc hội hoàn toàn không khó khăn gì bởi hai phe này hiện kiểm soát quốc hội. Vấn đề chỉ ở chỗ đảng Lega thuộc phe cực hữu còn phong trào Năm ngôi sao là một phong trào dân tuý.
Chính phủ liên hiệp giữa hai phe này sẽ tạo nên tình thế lần đầu tiên có chính phủ cầm quyền thuộc phe cực hữu và dân tuý ở Italia và cũng lần đầu tiên có một thành viên EU do phe cực hữu và dân tuý trị vì.
Tổng thống Italia Sergio Mattarella hoàn toàn không ủng hộ chính phủ liên hiệp này nhưng theo luật thì không thể ngăn cản hai phe cánh kia thành lập chính phủ liên hiệp. Việc hai phe này giành được đa số như thế phải được hiểu là đa số cử tri đã muốn như thế trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi.
Ông Mattarella đã dùng cách khác để phá huỷ chính phủ liên hiệp. Vị tổng thống này không chấp thuận đề cử nhân sự của chính phủ liên hiệp cho cương vị bộ trưởng tài chính với lý do người này chủ trương đưa Italia ra khỏi nhóm những thành viên EU sử dụng đồng tiền chung Euro (Nhóm Euro) và bất chấp nhiều quy định và tiêu chí chung khác nữa của EU về tài chính, ngân sách và tiền tệ.
Việc từ chối chấp thuận đề cử nhân sự của chính phủ mới thuộc quyền hạn của tổng thống và như thế hợp luật. Nhưng ông Mattarella lại dùng luật này để lật bỏ cái lệ là tổng thống chấp thuận đề cử nhân sự của chính phủ mới để thành lập được chính phủ và nhờ đó đất nước có được ổn định chính trị.
Người này phủ quyết đề cử nhân sự của hai phe kia trong trù tính là nhờ thế họ không thành lập được chính phủ liên hiệp, tạo cơ hội cho tổng thống giao cho người khác thành lập chính phủ quá độ, dùng chính phủ quá độ để huỷ hoại khả năng và triển vọng phe dân tuý và cực hữu lại tiếp tục nỗ lực liên thủ thành lập chính phủ.
Tuy biết chắc rằng chính phủ quá độ sẽ không được quốc hội hiện tại thông qua do đa số thuộc về hai phe kia nhưng ông Mattarella vẫn chủ trương dùng luật để lật lệ vì ít nhất cũng có thêm được thời gian trước khi tổng tuyển cử mới lại trở nên không thể tránh khỏi ở đất nước này.
Những suy tính và quyết định như trên của ông Mattarella có lợi cho EU nhưng lại không có lợi cho Italia trong bối cảnh tình hình hiện tại. Khủng hoảng chính trị sẽ chỉ càng có lợi cho phe cực hữu và dân tuý. Rồi đây, trong cuộc bầu cử quốc hội mới, hai phe này sẽ càng thêm thắng thế. Luật có thể phản lệ dễ dàng nhưng hậu quả và hệ luỵ chính trị của việc ấy sẽ rất tai hại cho Italia và EU.
Tổng thống Sergio Mattarella đã không chấp nhận đề nghị đưa ông Paolo Savona, một nhà kinh tế học, từng làm việc cho ngân hàng quốc gia Ý, vào chức vụ bộ trưởng Kinh Tế. Tổng thống Ý cũng nói thêm rằng đây là phủ quyết duy nhất trên danh sách đề cử các bộ trưởng trong hội đồng chính phủ của ông Giuseppa Conte.
Cũng nên biết rằng theo điều luật 87 của Hiến Pháp hiện hành, tổng thống hoàn toàn có quyền phủ quyết việc đề cử vào các chức vị bộ trưởng của hội đồng chính phủ.
Paolo Savona là ai? Và vì sao mà phía tổng thống Ý lại phủ quyết đề nghị nói trên? Lý do là ông Paolo Savona, trong cương vị nhà kinh tế học, đã từng tuyên bố chống lại sự hội nhập châu Âu và chống lại đồng euro. Thậm chí ông này còn cho rằng euro là một thất bại chính sách tiền tệ của châu Âu.
Đối với tổng thống Sergio Mattarella, nếu ông Savona nắm Bộ Kinh tế, vốn là bộ quan trọng nhất trong chính phủ, các quyết định của bộ này sẽ lập tức có ảnh hưởng đến thị trường tài chính không chỉ riêng của Ý mà châu Âu và quốc tế, có xu hướng đi ngược lại sự hội nhập của Ý trong châu Âu và thậm chí có thể đưa nước Ý ra khỏi khối đồng euro, hay ít ra cũng sẽ gây ra nhiều căng thẳng giữa chính phủ Ý với các chính phủ thành viên của Liên hiệp châu Âu.