Người thổi hồn vào đá
Bắt đầu đi vào khai thác từ 2016, trải qua gần 3 năm khai thác, khu du lịch Tàu ngầm Nha Trang đã chính thức đi vào hoạt động phục vụ du khách từ Tết Nguyên Đán 2019 với một công trình đồ sộ bao trọn cả một nét đời sống văn hóa truyền thống, về đất nước và con người Nha Trang, Khánh Hòa nói riêng, Việt Nam nói chung.
Lấy ngôn ngữ đá để kể chuyện về một Nha Trang xưa mộc mạc và một Nha Trang phát triển mạnh mẽ như ngày nay, anh Trịnh Bá Dũng đã cùng đồng đội tạo nên một không gian mang đầy bản sắc văn hóa Nha Trang. Từ những hòn đá vô tri vô giác tạo thành những hòn đá có hồn cốt, có đời sống riêng. Những bức tranh 3D từ đá đã tái tạo ra Thành cổ Diên Khánh, Ga Nha Trang, Nhà Thờ Đá, Chùa Long Sơn, Tháp Bà Ponagar, hình ảnh những nhà cao tầng, khách sạn…
Kết hợp với nó là những ngôi nhà nghỉ chân mang phong cách khác lạ, con đường được gọi là Phố đi bộ đều được tái hiện một cách sinh động ngay tại khu du lịch Tàu ngầm khiến nhiều du khách đến đây không khỏi bị mê hoặc.
Cùng chúng tôi đi tham quan, bà Nguyễn Thị Tường Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Du lịch Ngọc Thiên Long chia sẻ, "chúng tôi lấy thiên nhiên làm chủ đạo, mong muốn mang đến cho du khách có sự tương tác với thiên nhiên, cho du khách cảm nhận, chạm được sờ được thiên nhiên, cảm giác như thiên nhiên rất gần gũi với mình. Thay bằng việc đúc những con vật bằng đá rồi mang đến đây, chúng tôi đã chọn cách khắc họa trên những hòn đá này để được gần gũi thiên nhiên hơn.
Chỉ là những con vật vẽ trên đá, nhưng mỗi một con vật đều có một câu chuyện riêng. Như những viên đá vẽ 12 con giáp, từ những viên đá vô tri vô giác qua bàn tay của các nghệ sĩ nó tạo dựng lên một sự thú vị về 12 đại gia đình con giáp trên đá, với mong muốn tạo nên một không gian sum vầy, cầu cho mọi người luôn vui vẻ, một gia đình đoàn tụ, hạnh phúc. Sau những phút xô bồ cùng phố xá, khu tâm linh phật giáo cũng được tái hiện nhằm cho du khách có một không gian tĩnh để tịnh tâm."
Là một người đã nhiều năm dày công nghiên cứu về du lịch, anh Dũng chia sẻ, mọi ý tưởng đều bắt đầu từ văn hóa và mọi cách làm đều khởi nguồn từ cái tâm. Hình ảnh làng quê Việt Nam được hiện hữu ngay từ những bước chân đầu tiên khi đặt chân đến đây: con trâu, bờ tre, gốc mạ, ngôi nhà Việt Nam xưa kết hợp cùng mô hình điêu khắc trống đồng, đàn tranh, bánh chưng, bánh dày, dưa hấu… như để cho mỗi con người sống chậm hơn và biết đến một nét đặc trưng riêng biệt chỉ riêng làng quê Việt Nam, không nơi nào lẫn được.
Mang cả đại dương xanh lên núi xanh |
Tàu ngầm trên núi có gì lạ?
Một mô hình Tàu ngầm đặc biệt, mặc dù được xây dựng trên vách núi cheo leo, nhưng so với những hình ảnh tàu ngầm xem qua phim ảnh thì nó được tái tạo y hệt. Bên trong nó là lớp kiến trúc được thiết kế sang trọng bao trọn nét văn hóa Âu Việt với ché rượu cần, mô phỏng những chai rượu nổi tiếng ở Châu Âu tạo nên một không gian vừa truyền thống vừa hiện đại.
Bên cạnh đó, một nhà hàng được thiết kế mang dáng dấp tàu hộ vệ tên lửa, cùng nhiều mô hình vũ khí hiện đại khác cho thấy một dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, đẳng cấp nhưng rất gắn bó và gần gũi với con người.
Khi nói về việc vì sao chọn tàu ngầm làm điểm nhấn cho khu du lịch của mình, kèm theo đó là chiếc tàu chiến, cùng chiếc xe quân sự được kiến tạo, anh Dũng chia sẻ, việc anh và nhóm đầu tư muốn nói với du khách hãy nhớ đến vịnh Cam Ranh, 1 trong 3 vịnh quân sự đắc địa nhất thế giới. Và nhắc đến Tàu ngầm là phải nhớ đến Nha Trang - Khánh Hòa. Qua những hình ảnh đó, như muốn cho du khách quốc tế hiểu rằng, Việt Nam là một đất nước độc lập, tự do. Nhân dân Việt Nam rất quý mến khách, nhân dân Việt Nam cũng sẽ luôn sẵn sàng hi sinh để chiến đấu bảo vệ đất nước.
Đặc biệt hơn, những hình ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa được tái hiện là sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này. Theo đó là hình ảnh những chiếc mũ tai bèo, chiếc võng và cánh rừng Trường Sơn kết hợp với hình ảnh “Bác cùng chúng cháu hành quân”, cùng bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt được khắc họa như nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn, những hi sinh xương máu mà thế hệ cha ông đã đổ xuống để xây dựng một đất nước độc lập, tự do, có bề dày lịch sử lâu đời như hôm nay.
Dù 90% mặt bằng là đá,nhưng để làm nên một công trình đồ sộ, biến những hòn đá vô tri vô giác có một ngôn ngữ riêng, anh Dũng đã lăn lộn hàng tháng trời cùng với đá, ăn cùng đá, ngủ cùng đá để thấu hiểu hơn về đá, để tìm kiếm từng viên đá phù hợp với mỗi con vật được điêu khắc, mỗi cảnh vật được phác họa.
Những hình ảnh được khắc họa trên đá đã nói lên một quá trình tái tạo kỳ công, với tiêu chí lấy thiên nhiên làm chủ đạo cho khu du lịch, toàn bộ quá trình kiến tạo đều được làm từ công sức, bàn tay dũng mãnh của anh Dũng cùng đồng đội.
Theo anh Dũng, cây là huyết mạch, là máu nên phải để giữ lại tất cả cây cối, cảnh vật để cho du khách đến đây cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, được sống giữa thiên nhiên và được bao bọc bởi thiên nhiên.