Dốc ngược trẻ khi sơ cứu đuối nước là sai cách

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cứu sống thành công trẻ 9 tuổi bị đuối nước nguy kịch. Đáng chú ý, dù được mọi người hướng dẫn bế dốc ngược trẻ lên chạy để nước chảy ra nhưng 2 thầy dạy bơi đã nhanh chóng hồi sức tim phổi đúng cách cho trẻ góp phần giúp trẻ thoát khỏi cửa tử.

Bé B.M đang được các bác sĩ điều trị tích cực tuy nhiên tiên lượng vẫn rất nặng nề. Ảnh: BVCC
Bé B.M đang được các bác sĩ điều trị tích cực tuy nhiên tiên lượng vẫn rất nặng nề. Ảnh: BVCC

Nhiều trẻ nguy kịch vì sơ cứu đuối nước sai cách

Bệnh nhi là cháu G.B (9 tuổi) ở Hà Nội. Chiều 3/6 trẻ đi bơi cùng gia đình, do không biết bơi nên lúc đầu trẻ mặc áo phao và bơi ở bể trẻ em. Tuy nhiên khi mẹ không để ý, trẻ đã cởi áo phao, sang bơi ở bể người lớn và bị đuối nước. Sau đó trẻ được mọi người xung quanh đưa lên trong tình trạng không tỉnh, không thở, tím tái toàn thân.

Ngay lập tức, bé B được 2 thầy giáo dạy bơi cấp cứu ép tim, thổi ngạt liên tục và sơ cứu đúng cách, không làm theo cách sơ cấp cứu đuối nước sai lầm mà mọi người vẫn thường mắc phải là dốc ngược trẻ lên chạy, làm mất thời gian vàng để cứu sống trẻ. Sau cấp cứu khoảng 15 phút, trẻ có nhịp thở lại và được chuyển tới cơ sở y tế.

Hình ảnh bé G.B được các thầy dạy bơi cấp cứu đúng cách tại bể bơi (ảnh cắt từ video do gia đình cung cấp).

Hình ảnh bé G.B được các thầy dạy bơi cấp cứu đúng cách tại bể bơi (ảnh cắt từ video do gia đình cung cấp).

Mặc dù khi trẻ vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, trẻ đã được hồi sức tích cực, thở máy…, tuy nhiên chỉ sau 2 ngày, trẻ đã bỏ được máy thở. Hiện tại, trẻ hoàn toàn tỉnh táo và chuẩn bị được xuất viện.

Một trường hợp khác là bé C.T (5 tuổi, Hà Nội). Chiều ngày 31/5, trẻ được đưa xuống bể bơi gần nhà. Sau vài phút, trẻ đã được phát hiện bị đuối nước và đưa lên bờ trong tình trạng không tỉnh, tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Sau khi được dốc ngược chạy quanh bể nhưng không cải thiện, trẻ mới được đưa đến một bệnh viện cách đó khoảng 5 phút di chuyển.

Tại đây, các bác sĩ đã lập tức hồi sức tim phổi, sau 15 phút tim trẻ mới đập trở lại. Trẻ được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị. Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tiên lượng rất nặng nề.

Tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, trẻ đã được các bác sĩ áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, phối hợp với liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não. Sau 4 ngày hôn mê, bệnh nhi dần tỉnh lại. Tới thời điểm hiện tại, bé đã tỉnh, tự thở, tuy nhiên trẻ vẫn phải tiếp tục theo dõi lâu dài vì các di chứng thần kinh vẫn có thể xảy ra.

Cũng đang điều trị Bệnh viện Nhi Trung ương vì đuối nước nhưng bé B.M (20 tháng tuổi, Ninh Bình) không may mắn như các trường hợp trên.

Sau khi phát hiện đuối nước, bé B.M không được cấp cứu ban đầu mà bị vác ngược chạy vòng quanh. Khi không hiệu quả, trẻ được đưa đi cấp cứu nhưng thời gian di chuyển đến bệnh viện tỉnh quá dài, trên 30 phút. Vì vậy, dù trẻ có nhịp tim trở lại sau 15 phút cấp cứu ở tuyến dưới song khi áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, tiên lượng di chứng thần kinh nặng nề.

Cảnh báo viêm phổi do đuối nước

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) ngày 8/6 có tiếp nhận bệnh nhi V.H.L (15 tuổi) bị đuối nước trong khoảng 5 phút ở bãi biển. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tỉnh, khó thở, tím môi, đầu chi, thở nhanh nông.

Kết quả thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng xác định nồng độ oxy trong máu giảm, hình ảnh Xquang phổi có tổn thương mờ không đều hai phổi. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa kết luận chẩn đoán suy hô hấp tiến triển, viêm phổi do sặc nước mặn. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở oxy mask, kháng sinh, cân bằng điện giải…

Sau hai ngày điều trị tại Khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân thoát nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định, được chuyển Khoa Hô hấp điều trị viêm phổi sau đuối nước.

Bác sĩ Phạm Thị Út Trang - Phó Trưởng Khoa Hô hấp bệnh viện: "Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm chức năng hô hấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, kể cả người biết bơi khi gặp phải tình huống nguy hiểm.

Người bị đuối nước do bị thiếu oxy thường có biểu hiện khó thở, đau sau xương ức, thở nhanh, tăng tiết đờm lẫn máu, da tím tái, mất ý thức, co giật, phù não do thiếu oxy não, tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim, giảm huyết áp…Đuối nước gây suy hô hấp, phù phổi cấp, phù não, suy tim, rối loạn điện giải… Hậu quả nặng nề của đuối nước nếu phát hiện muộn có thể dẫn đến tổn thương não, rơi vào tình trạng sống thực vật vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Đặc biệt, bệnh nhân bị viêm phổi do đuối nước cần phải điều trị rất tích cực nếu không nguy cơ tử vong do viêm phổi nặng có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Những con số báo động

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những năm qua cũng đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nặng và nguy kịch vì đuối nước. Chỉ tính riêng trong 6 ngày từ 30/5 - 4/6, đơn vị đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng và nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ. Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch.

Đáng nói, trong số 7 trẻ chỉ có duy nhất 1 trẻ được sơ cấp cứu ban đầu đúng cách, các trường hợp còn lại đều được cấp cứu ngừng tuần hoàn sai cách. Nhiều trường hợp dù không tỉnh, không thở nhưng vẫn không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó là bế dốc chạy vòng quanh, làm chậm trễ cấp cứu, tăng nguy cơ trào ngược và trẻ hít phải các chất dịch từ dạ dày vào phổi.

Theo TS.BS. Phan Hữu Phúc - Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khoẻ Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương: Sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 3-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.

Thực tế đáng báo động là dù đã được ngành y tế các cấp truyền thông rộng rãi nhiều năm nay nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa nắm được kỹ năng cấp cứu đúng khi tiếp cận xử trí một trẻ bị đuối nước.

Hội Nhi khoa Việt Nam đã phối hợp cùng Bệnh viện Nhi Trung ương xây dựng video “Cấp cứu trẻ bị đuối nước” giúp cung cấp kiến thức, kỹ năng đúng về cấp cứu trẻ bị đuối nước cho cộng đồng:

Đọc thêm