Đổi đời nhờ rau sạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với sự nhạy bén, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển quê hương, bà Đặng Thị Cuối (Giám đốc Hợp tác xã sản xuất & tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình, tạo nhiều công ăn việc làm.
HTX Cuối Quý hiện có 46.292m2 diện tích sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ.
HTX Cuối Quý hiện có 46.292m2 diện tích sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ.

Dám nghĩ, dám làm

Bà Cuối sinh năm 1971 tại một vùng quê nghèo ở huyện Đan Phượng. Lam lũ quanh năm nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh “giật gấu vá vai”, năm 2000, bà quyết định đi xuất khẩu lao động để cải thiện kinh tế gia đình. Tại nước ngoài, bà làm việc trong một trang trại trồng rau hữu cơ. Từ bé đã là nông dân nhưng bà không khỏi ngạc nhiên trước cách làm nông nghiệp ở đây. “Trồng rau ở đó cho năng suất cao gấp hai, gấp ba lần ở quê, trong khi sản phẩm làm ra lại sạch”, bà kể lại. Bà ấp ủ suy nghĩ phải cố gắng học hỏi thật nhiều kinh nghiệm để có thể trở về áp dụng tại quê hương.

Bà Cuối còn thuyết phục cả chồng là ông Nguyễn Đăng Quý cùng sang nước ngoài học cách làm nông nghiệp hữu cơ. Sau 16 năm tích cực học tập kỹ thuật, kinh nghiệm trồng rau ở xứ người, năm 2016, bà Cuối về nước, bắt tay thực hiện dự án trồng rau hữu cơ công nghệ cao tại khu bãi Tổng màu, xã Đan Phượng. “Thời điểm đó, ở quê tôi đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nên tôi đã mạnh dạn đầu tư, quyết tâm làm nông nghiệp công nghệ cao với mong muốn thúc đẩy sự phát triển quê hương, trở thành một công dân có ích cho xã hội”, bà Cuối kể.

Sau khi thử nghiệm trên đất gia đình, bà Cuối thuê thêm đất của các hộ dân trên địa bàn xã để mở rộng diện tích canh tác và thành lập Hợp tác xã (HTX) Cuối Quý. Với tư duy “đầu tư một lần nhưng bền vững cho nhiều năm sau”, bà Cuối xây hơn 20 khu nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động, giá hơn 11 tỷ đồng. Toàn bộ kỹ thuật canh tác của HTX được thực hiện nghiêm ngặt theo nguyên tắc “năm không”: Không sử dụng thuốc diệt cỏ; phân bón hóa học; thuốc bảo vệ thực vật hóa học; thuốc kích thích tăng trưởng; giống biến đổi gen. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, năng suất của HTX cao hơn nhiều lần so với phương pháp truyền thống, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Chia sẻ về những khó khăn khi khởi nghiệp, bà Cuối nói, ban đầu, sản phẩm sản xuất ra không bán được vì với người dân địa phương, rau hữu cơ còn là thứ xa xôi, chưa nhiều người biết. “May mắn là tôi được Phòng Kinh tế huyện hỗ trợ về đầu ra, giới thiệu đưa sản phẩm vào các trường mầm non trên địa bàn. Lúc bấy giờ, các trường chỉ đủ tiền để mua với giá khoảng 16.000 đồng/kg, trong khi giá rau hữu cơ phải từ khoảng 20.000 đồng/kg mới gọi là có một chút công. Khi đó, Phòng Kinh tế huyện đã hỗ trợ cho các trường mầm non 4.000 đồng/kg rau trong 1 năm. Nhờ đó mà các trường mua được rau sạch cho các cháu, còn HTX có nguồn thu đảm bảo”, bà Cuối cho hay.

Trái ngọt

Qua thời gian đầu tư công sức, kiên trì, không ngừng học hỏi, đến nay HTX đã gặt hái được những thành công đáng kể. Trang trại của HTX hiện có 46.292m2 diện tích sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ. Sản lượng 50 - 80 tấn rau củ quả các loại/năm, doanh thu 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng. HTX cũng hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho 25 lao động thường xuyên, thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng và 40 - 60 lao động thời vụ, thu nhập 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều sản phẩm của HTX đã được Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Từ những trải nghiệm trên con đường lập nghiệp, bà Cuối còn tích cực phối hợp Hội Nông dân địa phương hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho hàng trăm lao động trong và ngoài xã, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho một số hộ có nhu cầu sản xuất rau hữu cơ ở các tỉnh; để cùng nhau phát triển sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp.

Bà còn tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào của Hội Nông dân, nhận hỗ trợ 8 hộ cận nghèo, hộ khó khăn về vốn, việc làm cây giống với số tiền trên 200 triệu/năm. Đến nay một số hộ đã thoát cận nghèo và ổn định đời sống.

“Có những cụ già đi xe đạp từ nơi khác đến nhờ tư vấn. Tôi biết được hoàn cảnh neo đơn của họ nên giới thiệu mô hình trồng bông hẹ. Sản phẩm này không phải chăm sóc nhiều, trong khi lại cho năng suất cao, giá thành ổn định, mỗi tháng thu hoạch được khoảng 10 lần, mỗi lần được vài trăm nghìn đồng. Hay có những bạn muốn làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng không biết bắt đầu từ đâu, tôi sẵn sàng hướng dẫn, giới thiệu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để các bạn làm. Ban đầu, nếu các bạn gặp khó khăn về đầu ra, tôi lại tiêu thụ hộ. Nhiều bạn trong số này đến nay đã thành công. Tôi luôn mong muốn hỗ trợ để mọi người cùng đi lên”, bà Cuối kể.

Ngoài ra, HTX Cuối Quý còn chủ động lập thông tin nguồn gốc sản phẩm, sử dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được Bộ NN&PTNT khen thưởng là 1 trong 125 mô hình sản xuất nông nghiệp toàn quốc năm 2017.

Bà Cuối được Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen năm 2017; Chủ tịch UBND Hà Nội tặng Bằng khen năm 2018; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ tặng Bằng khen năm 2019; Trung ương Hội Nông dân tặng Bằng khen năm 2020. Bà là đại biểu điển hình dự Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” toàn quốc. Năm 2020, bà đạt danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu”. Hiện bà là 1 trong 10 cá nhân đang được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022..

Đọc thêm