Đôi hiền nhân gần 40 năm sống thanh tịnh giữa Rú Chá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Gần 40 năm ‘ẩn mình’ trong Rú Chá trên phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế), ngư ông Nguyễn Ngọc Đáp và vợ là bà Trần Thị Hồng sống thanh tịnh giữa rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn lại ở miền Trung. Sau bao năm được nâng niu bảo vệ, nơi hoang vu Rú Chá hiện đã thành địa chỉ vạn người muốn ghé thăm.
Vợ chồng ông Đáp bà Hồng an nhiên giữa rừng cây Chá.
Vợ chồng ông Đáp bà Hồng an nhiên giữa rừng cây Chá.

Bền bỉ như cây chá

Nằm ở cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An thuộc thôn Thuận Hòa xã Hương Phong, thành phố Huế, Rú Chá những ngày thu năm trước thường dập dìu người, xe về chiêm ngưỡng lá và hoa cùng khoác “chiếc áo” mơ vàng. Giữa không gian rộng 4 ha, không ít người “ngợp” bởi vẻ đẹp trữ tình của Rú Chá khi dừng chân trước một ngôi nhà nhỏ lọt dưới những tán cây quao, được bao bọc bởi nước ngập mặn với lớp lớp rừng cây Chá già vấn vít nhau.

Dưới mái nhà lợp tôn đơn sơ chưa đầy 40m2, có hai mái đầu bạc sống với nhau hàng chục năm ở đây, là vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (78 tuổi) và bà Trần Thị Hồng (75 tuổi).

Chuyện ông bà kể tưởng chỉ có trong… cổ tích.

Ngư ông Nguyễn Văn Đáp chèo đò đánh cá giữa Rú Chá.

Ngư ông Nguyễn Văn Đáp chèo đò đánh cá giữa Rú Chá.

Gần 40 năm trước, nhiều người nhìn vợ chồng ông Đáp đầy lạ lùng. Họ gọi ông là người “gàn”, là “Rô – Bin – Sơn’’ phiên bản Huế bởi Rú Chá thời bấy giờ hoang vu, hẻo lánh, không người, không đường xá. “Người trong xã cười chúng tôi dại khờ vì chốn này nước ngọt hiếm, nước mặn chát như muối. Muốn có nước ngọt dùng phải đi quãng đường xa, lội bùn trên đầm lầy chở từng thùng nước. Kể cả nước cho gà, cho vịt uống cũng phải gánh từ ngoài ruộng”. Lão bà kể lại buổi ban đầu từng hoài nghi hỏi chồng: “Ra Rú Chá sống bằng cái gì?”

Kết tóc xe tơ nên duyên chồng vợ từ năm 1976, bà Hồng cùng ông Đáp nuôi nấng 10 người con lên người. Với lòng lạc quan và yêu rừng, ông Đáp bàn với vợ xin chính quyền ra Rú Chá ở. Trước những lắng lo thường tình của vợ, ông Đáp khảng khái: “Nơi nào có tôi là có ăn chứ bà lo gì, cá nước… nuôi mình nuôi ta”. Bà Hồng tin vào chồng, ông Đáp tin vào chính mình. Hai người chọn bãi bồi cao đắp đất rồi be bờ và quây lại che mưa che nắng sinh sống giữa “ốc đảo”.

“Khi chúng tôi mới đến, Rú Chá là nơi hoang tàn. Hồi đó không có điện đêm tối tù mù nhưng có chồng nên tôi cũng không sợ hãi mà gắn bó ở đây bao mùa bão, lũ, nắng hạn. Tôi vui vì đang được già đi cùng Rú Chá. Sống lâu năm ở đây tôi biết được theo âm lịch năm nhiều mưa lá rụng sớm, hoa Chá sẽ nở đầu tháng 8 còn năm ít mưa thì hoa rực vàng cuối tháng 8… không thể sai được”, bà Hồng tiếp tục câu chuyện.

“Cây Chá có ở đây từ lâu đời không ai trồng mà tự mọc, ngày xưa cứ thấy cây Chá bén lửa là dân đến đốn về làm củi, chim trời làm tổ thì lấy mồi bẫy. Nhờ ông Đáp mới có Rú Chá bây giờ”, người thôn Thuận Hòa cảm kích nói về công của ông Đáp. Không bỏ cuộc dù nhiều người quấy phá, chính quyền xã trả công cho ông Đáp chỉ 3 tạ lúa mỗi tháng để ông giữ gìn Rú Chá. Ông Đáp chỉ lấy 2 tạ lúa để sống, nuôi con còn 1 tạ dành để lo việc làng. Ông xem Rú Chá là nhà mình, “vác tù và” kiểm tra, giữ Chá hết năm này qua năm khác.

Bà Hồng vui nuôi gà, chăn vịt khi tuổi đã cao dù phải gánh nước ngọt từ đất liền vào.

Bà Hồng vui nuôi gà, chăn vịt khi tuổi đã cao dù phải gánh nước ngọt từ đất liền vào.

Ở nơi chẳng bạn bè, ông Đáp thuộc từng gốc cây, quẩn quanh làm bạn cùng cây Chá. “Tôi đã bắt được khoảng gần 40 người đến đây chặt Chá làm củi, giao nộp cho xã phạt những người chặt lần đầu 30 tạ thóc, chặt phá lần thứ 2 phạt 50 tạ thóc”, ông Đáp nhớ thủa hàn vi.

Chính vì trân quý từng cây Chá, đôi người dèm pha bảo ông làm gì mà được nhận chừng ấy thóc hàng tháng, người bị bắt vì đốn củi, bẫy chim thì tư thù đe dọa gia đình ông. Nhưng sống gần nước, gần cây tâm hai vợ chồng cũng lặng lẽ, khiêm nhường, tĩnh lặng như cây. Để công bằng, chính quyền mời những người dèm pha vào giữ chá nhưng họ chỉ nói vậy chứ không ai “đủ gan” ra giữa vùng hoang nước mặn này ở. Đến năm 2000, không còn được trả công bằng thóc, suốt từ đó đến nay 21 năm hai vợ chồng giữ Rú Chá như giữ linh hồn mình không màng chuyện được mất, không cầu trả công.

Rú Chá “bốn mùa thay lá” không thay lòng

Trăm ngàn người đến Rú Chá thì chỉ biết đây là rừng có cây Chá. Chỉ hai vợ chồng ông Đáp bà Hồng mới là người ươm gieo, biết “khát” thay cho Chá mùa hạn, biết đếm được ngoài cây Chá, ở đây còn có khoảng 1500 cây quao là một loài cây cũng rất kiên cường trước thời tiết khắc nghiệt làm sức sống của cây Chá thêm mãnh liệt.

Ngôi nhà đơn sơ của đôi hiền nhân sống ở rừng ngập mặn Rú Chá.

Ngôi nhà đơn sơ của đôi hiền nhân sống ở rừng ngập mặn Rú Chá.

Nếu mùa thu dịu dàng làm mê đắm nhiều trái tim lãng mạn với toàn bộ lá cây chuyển từ sắc vàng sang đỏ nhìn từ trên cao mang dáng hình một trái tim thì vào mùa đông khi tất thảy quao, chá rụng lá để lại những vòm cây khẳng khiu trơ cành đan cành khăng khít, Rú Chá trở nên huyền hoặc. Bảo vệ cho Chá rồi Chá “trả ơn”, rừng nguyên sinh quý hiếm này là “bức tường xanh” giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ đê điều và tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Ông bà đấu thầu và nuôi được hàng vạn con cá, tôm sú, cua.

Bà Hồng luôn vui khi cuối thu tháng 10, Chá thay màu áo rụng hết lá hoa thì cây quao lá hãy còn xanh. Những chùm trái của Chá như tiêu xanh rồi bung nổ tựa hạt bắp rang khi chín còn cây quao trái dài, hạt làm thức ăn cho gà, vịt. Thời điểm này từng đàn chim trời sống hoang dã kéo về đây chao liệng khắp bầu trời rồi đậu trên vòm Chá líu lo từng chiều xuống tăm cá, ăn hạt.

Qua mùa Xuân, rừng Chá sẽ đâm chồi nảy lộc màu nắng mới, mùa hạ mát rượi bóng râm. “Giờ ông nhà tôi không còn muốn đi đâu nữa. Sáng sáng thả lừ, nuôi tôm. Cứ Tết về với con cháu vài ba ngày không yên vì lo cho rừng Chá”, bà Hồng nói.

Một số hình ảnh Rú Chá mùa thu khi du khách đến tham quan đẹp nao lòng

Một số hình ảnh Rú Chá mùa thu khi du khách đến tham quan đẹp nao lòng

Giờ đây bao quanh khu vực rú là những hồ tôm, cá nguồn thủy sản dồi dào góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống xung quanh khu vực đầm phá. Rú Chá không còn là nơi hoang vu mà là địa điểm check in lý tưởng, là phim trường biến ảo và là nơi thỏa sức sáng tạo những hình ảnh đẹp cho giới nhiếp ảnh cũng như những ai yêu thiên nhiên. Vừa qua, nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung với tác phẩm “Đánh cá ở rừng ngập mặn” khiến Rú Chá mùa đông và lão ông đánh cá thêm nổi tiếng khi đứng nhất hạng mục Con người của cuộc thi Drone Photo Awards 2021.

Năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển rừng ngập mặn tại xã Hương Phong với nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt 21,9 hecta rừng hiện có, bảo vệ đa dạng sinh học cho hệ sinh thái rừng ngập mặn; xác định cơ cấu bố trí loài cây… thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, góp phần đưa kinh tế - xã hội của xã này phát triển. Đồng thời, xây dựng khu vườn ngập mặn với khoảng 30 loài thực vật ngập mặn đặc trưng của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo về thực vật ngập mặn, hệ sinh thái rừng ngập mặn cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Đến Rú Chá, chắc chắn ai cũng được tận mắt thấy vợ chồng lão nông Nguyễn Ngọc Đáp, người dành gần 40 năm sống tách biệt với cộng đồng để chăm sóc, bảo vệ hệ sinh thái nguyên sơ của khu rừng ngập mặn này. Chính nhờ ông Đáp mới trồng sinh sôi, phát triển cây Chá, chim muông đua nhau tìm về và tăng thêm các nguồn lợi thủy sản tại địa phương”.

Từ chỗ như “chùa vắng”, nay tiếng gọi nhau í ới về đón bình minh, săn ảnh sương mờ từ 4h sáng đến xế chiều trên Rú Chá đã khiến vùng đất này thức dậy. Giờ đây, tình yêu Rú Chá của ông Đáp và bà Hồng đã được nhân lên trong hàng vạn người yêu thiên nhiên và thích khám phá.

“Chúng tôi có gần 40 cháu, chắt rồi… con cháu cũng muốn chúng tôi vào làng nghỉ ngơi nhưng chúng tôi quen sống thanh tịnh ở đây, chẳng ưa ồn ào như trong phố, trong làng. Chúng tôi ở đây có chết cùng chết bên rú Chá”, bà Hồng trìu mến nhìn những giọt mưa đầu mùa, rồi nói: “Có mấy ai biết Rú Chá trong trời mưa ở xứ mưa Huế này còn đẹp hơn…”

Đọc thêm