Nhiều Diễn đàn phổ biến, lấy ý kiến của Thanh niên vào dự thảo các bộ luật, luật quan trọng liên quan đến thanh niên được tổ chức, như dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), các diễn đàn Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật Bào vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin…; tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn kiến thức pháp luật mới và kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL nhằm phổ biến, giới thiệt, cập nhật, bồi dưỡng những nội dung cơ bản và điểm mới, sửa đổi, bổ sung trong các văn bản luật, bộ luật, pháp lệnh mới được Quốc hội thông qua và có liên quan đến thanh niên.
Các hội nghị và lớp tập huấn tập trung cập nhật các văn bản Luật như: Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật PBGDPL, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá… Bên cạnh đó, hàng năm Bộ Tư pháp đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho thanh niên, trong đó chú trọng hình thức thi trực tuyến như Cuộc thi “Pháp luật học đường”, Cuộc thi “Pháp luật với mọi người”…
Những hoạt động đó đã góp phần thiết thựuc trong việc tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, phát huy đầy đủ tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong thanh, thiếu niên; đưa công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm phát huy đầy đủ vai trò của thanh, thiếu niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thông qua công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, theo dõi thi hành pháp luật, nhất là công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho thanh niên, Bộ Tư pháp đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích cho thanh niên trong các quan hệ dân sự, hình sự, nâng cao ý thức pháp luật của thanh niên, từ đó trở thành những công dân tốt, đóng góp tích cực cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL cho thanh niên được nâng lên, gắn kết công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống với chương trình phát triển thanh niên.
Hình thức PBGDPL cho thanh niên tương đối đa dạng, phong phú, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, như: Tổ chức tập huấn pháp luật, kỹ năng PBGDPL trực tuyến; thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; thông tin pháp luật, PBGDPL trên Cổng/Trang Thông tin điện tử, mạng xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác PBGDPL cho thanh niên thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác PBGDPL cho thanh niên chưa đồng đều, toàn diện; các mô hình, hình thức PBGDPL cho thanh niên ở một số nơi chưa chú trọng đổi mới, vận dụng phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của thanh niên.
PBGDPL chủ yếu mới tập trung vào đối tượng thanh niên là học sinh, sinh viên trong trường học, còn các đối tượng thanh niên khác như: thanh niên vi phạm pháp luật, thanh niên lao động tự do, thanh niên không có việc làm… vẫn chưa được PBGDPL thường xuyên, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ cao về vi phạm pháp luật, đòi hỏi cách thức tiếp cận, vận dụng các hình thức PBGDPL sáng tạo, đặc thù.
Vì vậy, để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho thanh niên trong thời gian tới, cần đẩy mạnh sự phối hợp thường xuyên để bảo đảm sự chỉ đạo, thực hiện thống nhất, đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan đến giáo dục pháp luật cho thanh niên; đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL cho thanh niên phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện địa bàn, chú trọng lồng ghép PBGDPL với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các phong trào, hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên.
Cần quan tâm xây dựng, nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL cho thanh niên đặc thù (thanh niên là người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, thanh niên vi phạm pháp luật…) thông qua việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, già làng, trưởng bản, người biết tiếng dân tộc có kỹ năng chuyên biệt trong PBGDPL cho nhóm đối tượng này.
Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng vào hoạt động PBGDPL, trong đó phát huy vai trò của các Trang thông tin điện tử, website, mạng xã hội thông qua xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, tổ chức diễn đàn trực tuyến trao đổi về chính sách, pháp luật, PBGDPL, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho thanh niên…