5 kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng trong ngành Ngoại giao
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Ngoại giao, khẳng định vai trò then chốt của công tác xây dựng Đảng, đánh giá kết quả công tác xây dựng Đảng trong ngành Ngoại giao và công tác đảng ngoài nước qua hơn nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đề ra các giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ từ nay đến cuối nhiệm kỳ.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại, triển khai đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng Đảng và công tác đảng ngoài nước; tham mưu Ban Bí thư ban hành Quy định 43 ngày 26/11/2021 về chức năng, nhiệm vụ của các đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài, Quy định 86 ngày 28/10/2022 về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài.
Cùng với đó, tăng cường đổi mới công tác chính trị tư tưởng, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng đến cán bộ, đảng viên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, góp phần lan tỏa sâu rộng tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh ra thế giới; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua Cuộc thi viết chính luận. Quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Ban Cán sự về tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong ngành Ngoại giao.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bà Trương Thị Mai đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà Bộ Ngoại giao đã đạt được trong triển khai nhiệm vụ chính trị đối ngoại toàn diện trên các mặt ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá, công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Công tác xây dựng Đảng trong ngành Ngoại giao và công tác đảng ngoài nước đã đạt được 5 kết quả nổi bật. Đó là quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hoá sát với yêu cầu thực tiễn, chú trọng triển khai đồng bộ 10 nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, đặc biệt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở ngoài nước; công tác vận động quần chúng gắn với đặc thù của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; công tác quản lý đảng viên bảo đảm không đảng viên nào ra ngoài nước không được tổ chức bố trí và sinh hoạt đảng.
Tiếp tục coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ ra những thách thức, những vấn đề đặt ra đối với tổ chức đảng và đảng viên ở ngoài nước, trong đó có những nguyên nhân khách quan và chủ quan xuất phát từ đặc thù của công tác đảng ngoài nước. Bà Trương Thị Mai đề nghị toàn Đảng bộ Bộ Ngoại giao cần tiếp tục coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nền tảng căn bản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. Nghiên cứu tham mưu những vấn đề sát thực tiễn để có mô hình cơ chế phù hợp cho cán bộ, đảng viên ở ngoài nước; đổi mới phương thức hoạt động, đặc biệt đổi mới sinh hoạt đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị; quan tâm công tác quản lý đảng viên; chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài.
Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu đảng viên, cán bộ Bộ Ngoại giao cần tiếp tục rèn luyện, đóng góp hiệu quả vào việc nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước. Bà Trương Thị Mai tin tưởng Đảng bộ Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, Bộ, ngành, địa phương để phát huy hơn nữa công tác đảng ngoài nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tiếp thu phát biểu chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ Ngoại giao sẽ quán triệt, tiếp thu các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và ý kiến đóng góp của các ban, Bộ, ngành và địa phương để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, biện pháp tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác đảng ngoài nước, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng Đảng bộ và ngành Ngoại giao vững mạnh toàn diện, hiện đại.
Trước đó, sáng 22/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên họp toàn thể về xây dựng, phát triển ngành. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả toàn ngành Ngoại giao đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục có sự chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2024, theo đúng phương châm “toàn diện, hiện đại, vững mạnh” được nêu trong chủ đề của Hội nghị. Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, ngành Ngoại giao tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng như trọng dụng, thu hút nhân tài; tính toán, tổ chức, sắp xếp bộ máy gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ động phối hợp, đồng hành với các Bộ, ngành, địa phương, với bạn bè quốc tế để nhận được sự ủng hộ theo đúng bốn chữ “đồng” mà Bác Hồ từng căn dặn “đồng tình, đồng lòng, đồng sức, đồng minh”.