Nét độc đáo trong phong trào thi đua
Ngay sau khi Hội nghị ký giao ước thi đua ngành Tư pháp khu vực Đồng bằng Bắc bộ từ đầu năm 2016 tại Vĩnh Phúc, với phương châm “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao năm 2016”, phong trào thi đua của Khu vực đã liên tục được tổ chức, với nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả.
Phong trào thi đua đã hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn trung tâm để tổ chức triển khai thực hiện mọi nội dung cụ thể, nhằm nhanh chóng lan tỏa tới từng cán bộ, viên chức và người lao động của ngành, đánh dấu một bước chuyển biến mới về chất lượng của phong trào thi đua tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ.
Đổi mới trong phong trào thi đua năm nay của Cụm Đồng bằng Bắc bộ bắt đầu từ việc thay đổi về cách thức tổ chức triển khai thực hiện, từ khâu xây dựng kế hoạch, phát động phong trào và ký kết giao ước thi đua đến việc kiểm tra, đánh giá, bình xét kết quả thi đua được làm rất bài bản, nghiêm túc và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đây chính là việc thay đổi phương pháp phát động phong trào thi đua, không sa đà vào việc áp đặt hoặc giao chỉ tiêu cứng nhắc cho từng đơn vị trong Khu vực. Việc giao chỉ tiêu thi đua chỉ có tính định hướng dựa trên việc đăng ký nội dung thi đua do cơ sở đề xuất. Do đó, phong trào thi đua được triển khai tại cơ sở luôn bám sát với thực tiễn, thiết thực với nhu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ chuyên môn ở mỗi cấp, mỗi vùng miền đặt ra.
Điểm khác biệt trong công tác thi đua năm 2016 của Khu vực là khai thác thế mạnh đông đảo của đoàn viên thanh niên, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, năng động, sáng tạo của 22 Chi đoàn thanh niên trong việc thực hiện phong trào thi đua “Thanh niên các cơ quan tư pháp khu vực thi đua Đồng bằng Bắc bộ tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hội nhập kinh tế quốc tế” bằng những hoạt động, sáng kiến cụ thể, không khí thi đua sôi nổi của các chi đoàn không chỉ đẩy mạnh hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên của từng đơn vị mà còn đóng góp tích cực vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn do đoàn viên thanh niên đảm nhận.
Chưa bao giờ vị thế, vai trò của cán bộ trẻ ngành Tư pháp trong khu vực Đồng bằng Bắc bộ được đề cao, được động viên, khích lệ như thời gian vừa qua.
Ấn tượng mạnh mẽ của phong trào thi đua còn được thể hiện qua việc triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mà trọng tâm là việc cụ thể hóa thành chương trình hành động cụ thể ở mỗi đơn vị, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ngành Tư pháp của từng địa phương. Nổi bật trong số đó là hoạt động ‘‘Chung tay xóa nghèo pháp luật” tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được nhiều địa phương triển khai sinh động, hấp dẫn như, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Đạt được hiệu quả thiết thực nhất phải nói đến phong trào thi đua: “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng tất cả các tỉnh, thành phố, theo đó mỗi đơn vị trong Khu vực thi đua đã lựa chọn ít nhất 02 xã, thị trấn để tổ chức một số hoạt động cụ thể, hỗ trợ và đóng góp thiết thực hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Thời gian triển khai các phong trào thi đua được tổ chức thực hiện liên tục, không gián đoạn, trong đó mở 2 đợt thi đua cao điểm với 10 nội dung trọng tâm của phong trào thi đua do Cụm Đồng bằng Bắc bộ năm 2016 định hướng, gắn chặt với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện phong trào thi đua: “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều đơn vị trong khu vực đã tổ chức hiệu quả các đợt thi đua chuyên đề, ngắn ngày, đột xuất với nội dung phong phú như: Thi đua hoàn thành xuất sắc việc tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; trợ giúp pháp lý lưu động; chiến dịch cao điểm về giải quyết án dân sự tồn đọng; sáng kiến, cải tiến lề lối làm việc; xây dựng phần mềm quản lý, đánh giá công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
Kết thúc đợt thi đua đều có sơ kết, khen thưởng để động viên kịp thời các tập thể, cá nhân và tạo sự lan tỏa, tích cực cho các phong trào thi đua khác trong năm.
Với vai trò Trưởng Khu vực thi đua Đồng bằng Bắc bộ, ông Dương Thái Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh khảng định, để đạt được sự thay đổi đáng kể này, trước hết là sự thay đổi toàn diện phương thức tổ chức triển khai, kịp thời phát hiện, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến để nhiều cách làm hay, sáng tạo phát huy sức lan tỏa, tính thiết thực của phong trào thi đua.
Hơn nữa là sự đồng thuận, nhận thức đúng đắn và tinh thần đầy trách nhiệm của lãnh đạo 22 Sở Tư pháp và Cục THADS các tỉnh, thành phố đối với phong trào thi đua của đơn vị trong năm 2016, họ đã thực sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thu hút đông đảo công chức, viên chức tham gia hưởng ứng, nhất là sự động viên, khuyến khích vào cuộc tích cực của 22 chi đoàn thanh niên trong Khu vực thi đua. Thành tích đạt được của phong trào thi đua năm 2016 sẽ tạo dấu mốc, tiền đề cho việc tiếp tục thực hiện phong trào thi đua trong những năm tiếp theo.
Thi đua gắn chặt với nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ
Thực tế triển khai cho thấy, phong trào thi đua năm nay đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến tập thể, cá nhân tiêu biểu ở mỗi đơn vị. Theo đó, các đơn vị từ cấp cơ sở đều lựa chọn và xây dựng thành công từ một đến hai cá nhân tiêu biểu nhất làm hạt nhân dẫn dắt phong trào thi đua phát triển. Riêng cấp tỉnh đã xây dựng được 22 điển hình, đây là những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua, chủ động khắc phục khó khăn, đổi mới, sáng tạo, đạt nhiều thành tích trong công tác chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào kết quả triển khai và thành tích của các tập thể, cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tặng Bằng khen cho 12 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2016 của Khu vực.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua đã đi vào chiều sâu, hướng tới việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn của từng cá nhân, đơn vị. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2016, công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đã được đưa vào thành chỉ tiêu thi đua, được triển khai toàn diện. Kết quả cho thấy, công tác này dần đi vào nề nếp và có nhiều tiến bộ so với những năm trước, từ quy trình thực hiện đến xử lý văn bản. Các đơn vị trong khu vực đều đảm bảo yêu cầu 100% các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan tư pháp thẩm định trước khi ban hành.
Phong trào tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng được nhiều đơn vị thực hiện bài bản, sâu rộng với các hình thức phong phú như: lập các chuyên mục trên đài phát thanh, truyền hình; xuất bản các bản tin tư pháp, ký phối hợp tuyên truyền với cơ quan báo chí và các đoàn thể chính trị, xã hội. Nhiều địa phương đã lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các cuộc phổ biến pháp luật cho người dân.
Thi đua hướng về cơ sở được thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực hành chính tư pháp, không chỉ tiến hành kiểm tra công tác hộ tịch tại cơ sở, phong trào này đã động viên, khuyến khích cán bộ trẻ ngành Tư pháp thường xuyên bám sát cơ sở để hỗ trợ nghiệp vụ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đối với các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài, đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tại vùng sâu, vùng xa đạt hiệu quả; công tác lý lịch tư pháp có nhiều đổi mới. Do vậy, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được cập nhật, khai thác sử dụng thường xuyên.
Một số địa phương đã và đang triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tiêu biểu như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Ninh.
Đánh giá về phong trào thi đua các cơ quan Tư pháp khu vực thi đua Đồng bằng Bắc bộ trong năm 2016, lãnh đạo Vụ Thi đua, Khen thưởng, Bộ Tư pháp đánh giá: phương thức tổ chức thi đua của Khu vực có nhiều điểm mới sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm và đạt được nhiều kết quả thiết thực; phong trào thi đua đã gắn với nhiệm vụ công tác chuyên môn đầy đủ, nghiêm túc, được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá cao về vai trò và sự tham gia tích cực của ngành Tư pháp, Thi hành án dân sự trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thông qua phong trào thi đua nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, vị trí công tác thi đua khen thưởng được nâng lên, coi thi đua là động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.