Đôi nam nữ tử vong vì đâm vào ống cống: Nhiều hậu quả pháp lý có thể xảy ra

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Liên quan đến vụ tai nạn trên xảy ra vào ngày 01/11/2021 khi hai công nhân chở nhau trên xe máy di chuyển trên đường trong Khu công nghiệp Điềm Thụy, Thái Nguyên đã đâm vào một chiếc cống lớn chắn ngang khiến cả hai tử vong, các chuyên gia pháp lý đặt ra nhiều tình huống pháp lý có thể xảy ra.
Đôi nam nữ tử vong vì đâm vào ống cống: Nhiều hậu quả pháp lý có thể xảy ra

Phân tích sự việc dưới khía cạnh pháp lý, Luật sư Trịnh Thúy Huyền - Giám đốc Công ty Luật Apra cho biết, theo Khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ”. Mặc dù sự việc xảy ra trong khu công nghiệp, nhưng vẫn là đường giao thông để đi lại chứ không phải trong phạm vi nhà máy, khu làm việc hay những khu vực được xây dựng riêng biệt.

Điều 8 Luật Giao thông đường bộ nêu rõ: Nghiêm cấm đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường. Cơ quan chức năng cần xác định việc tồn tại của chiếc cống có đúng quy định hay không, từ đó sẽ xem xét được trách nhiệm, lỗi của những tổ chức, cá nhân liên quan (nếu có). Đồng thời cần làm rõ, chiếc cống được để chắn ngang đường nhằm phân luồng, hạn chế phương tiện, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 thì điều này là đúng hay sai, chiếc cống này được để vào thời gian nào?

Việc để chiếc cống lớn giữa đường dù là với mục đích chống dịch mà không có biển cảnh báo nguy hiểm, không có chốt trực, không có người thực hiện phân luồng là không đúng quy định bởi nó sẽ gây nguy hiểm cho người dân khi di chuyển. Hơn nữa, từ ngày 19/10/2021 UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã dừng hoạt động các chốt phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới nên các hoạt động phân luồng giao thông, chốt chặn…kể cả trong khu công nghiệp thực tế có lẽ đều đã được dỡ bỏ”, Luật sư Huyền bày tỏ quan điểm.

Luật sư Trịnh Thúy Huyền

Luật sư Trịnh Thúy Huyền

Tuy nhiên, trong trường hợp Ban quản lý các khu công nghiệp đã thực hiện lắp hệ thống cảnh báo, chỉ dẫn không tham gia giao thông tại khu vực này, nhưng người điều khiển phương tiện giao thông vẫn cố ý di chuyển và dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng thì Ban quản lý các khu công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cụ thể của vụ việc. Ban quản lý cần phối hợp với các đơn vị Công an và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong việc kiểm tra công tác giữ gìn an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, xây dựng và đề xuất những biện pháp thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự...

Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Anh Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc tiến hành điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn, làm rõ yếu tố lỗi để xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Có thể thấy, việc đặt ống cống bê tông loại lớn trên lòng đường là không đúng quy định pháp luật, gây cản trở giao thông. Bên cạnh việc xử lý hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 100/2019/ND-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư Đặng Anh Đức

Luật sư Đặng Anh Đức

Cụ thể, tại Điều 261 BLHS 2015 quy định về tội cản trở giao thông đường bộ thì người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: “Làm chết 02 người”.

Trong vụ việc này, trong trường hợp anh Đ điều khiển xe máy không thể quan sát được ống cống bê tông chẳng hạn như do không có biển cảnh báo nguy hiểm thì hành vi cản trở giao thông đường bộ này đã gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự và xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan./.

Đọc thêm