Năng suất lao động một DN: 50 tỷ đồng/người/năm
Theo Tổng Giám đốc PVN, năm 2018, đơn vị này đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra và về đích trước kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm mà Chính phủ giao, với doanh thu hơn 626 nghìn tỷ đồng. Cũng theo ông Sơn, sau thành công chào bán lần đầu (IPO) cổ phần 3 công ty lớn của PVN là BSR, PVOIL, PV Power với mức giá gấp 2 lần giá trị vào cuối năm 2017, các đơn vị của PVN tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều đối tác nước ngoài. “Việc đầu tư vào các DN thuộc PVN luôn hấp dẫn và đang được các nhà đầu tư đánh giá cao”, lời Tổng Giám đốc PVN.
Đơn cử như Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) kết thúc năm 2018, năng suất lao động của DN thành viên thuộc PVN này đạt 50 tỷ đồng/người/năm. Tổng kết năm qua, sản lượng khai thác khí của BIENDONG POC đạt 111%, sản lượng dầu condensate đạt 112%; tổng doanh thu cả năm 2018 đạt 130% kế hoạch.
Nói về hợp tác giữa PVN và các đối tác trong thời gian qua, ông Sơn ghi nhận và biểu dương những kết quả mà PVN và các đối tác đã đạt được trong năm 2018, đồng thời kêu gọi các đối tác sát cánh cùng PVN.
Nhiều nhà thầu cho biết họ rất quan tâm đến những chính sách ưu đãi của Việt Nam để khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư vào thăm dò, khai thác dầu khí nước sâu, cũng như tiến trình thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư liên quan đến hoạt động dầu khí để môi trường đầu tư, kinh doanh được minh bạch, thông thoáng, thuận lợi hơn.
Khai thác dầu khí nước sâu là chiến lược
Theo Tổng Giám đốc PVN, kế hoạch “đường dài” của PVN trong 20 năm tới là khai thác dầu khí nước sâu, bởi đây là một tiềm năng rất lớn của Việt Nam. “Các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động dầu khí, PVN đang tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy quá trình này”, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn thông báo với các đối tác.
Chia sẻ thêm, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN cho rằng, các đối tác đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của PVN cũng như sự phát triển của kinh tế Việt Nam. “Với tư cách là công ty dầu khí quốc gia, một bên ký và quản lý các hợp đồng dầu khí, đồng thời cũng là bên đối tác cùng đầu tư trong các dự án dầu khí tại Việt Nam, PVN đánh giá cao sự hợp tác và cố gắng của các công ty dầu khí quốc tế trong thực hiện cam kết hợp đồng và sự tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật Việt Nam trong quá trình triển khai các hoạt động dầu khí”, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Theo đó, PVN cam kết luôn đồng hành cùng với các nhà thầu, đối tác vượt qua khó khăn; đồng thời mong muốn đối tác phối hợp chặt chẽ để gia tăng sản lượng khai thác dầu khí, tiếp tục có các giải pháp quản trị, điều hành kịp thời ứng phó với các tình huống thay đổi giá dầu, biến động nền kinh tế.
Ngoài ra, các nhà thầu, đối tác cũng dành nhiều sự quan tâm về vấn đề tái cơ cấu, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của PVN tại các đơn vị thành viên, vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN trong hoạt động của PVN. Những vấn đề này sau đó đã được đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và PVN giải đáp thỏa đáng và đã nhận được sự đồng thuận cao.
PVN nỗ lực “cứu” Nhiệt điện Thái Bình 2
“Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư đang khiến lãnh đạo của đơn vị này đau đầu vì chậm tiến độ do những khó khăn trước đây để lại. Được biết, với tổng mức đầu tư 1,7 tỉ USD, mỗi tháng chậm tiến độ đã khiến chủ đầu tư mất hàng triệu USD tiền lãi. Trao đổi với PLVN, đại diện PVN cho biết, đang nỗ lực gỡ khó cho dự án này. Hiện nay, tiến độ tổng thể của dự án đạt gần 83%. Trong đó, công tác thiết kế đạt 99,54%; mua sắm thiết bị, vật tư đạt 99,64%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,56%; thi công xây dựng đạt 78,45%”.