Cty TNHH Xuân Mai quyết giành lại danh từ “Trung Sơn” vốn bị Cục Sở hữu trí tuệ loại bỏ khỏi văn bằng bảo hộ nhãn hiệu xi măng đã cấp cho Cty này vì có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh bằng việc đổi tên thành Cty Trung Sơn…
|
Nhà máy xi măng Hòa Bình chuẩn bị hoạt động. Ảnh MH. |
Quyết giành lấy “Trung Sơn”
Một mặt tiếp tục theo kiện yêu cầu hủy bỏ quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc hủy một phần văn bằng bảo hộ, loại bỏ danh từ Trung Sơn khỏi nhãn hiệu xi măng, một mặt Cty TNHH Xuân Mai thực hiện một thủ tục pháp lý nữa thể hiện quyết tâm giữ từ Trung Sơn làm nhãn hiệu. Đó là đổi tên Cty TNHH Xuân Mai thành Cty TNHH Xi măng Trung Sơn.
Yêu cầu đổi tên DN trong bối cảnh danh từ “Trung Sơn” đang có tranh chấp đã được Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình chấp nhận, gây nên sự “hỗn độn” mới trong tranh chấp sử dụng danh từ “Trung Sơn”. Trả lời PLVN ngày 16/11, Phó Phòng Đăng ký kinh doanh Vũ Đức Dũng khẳng định: Ngày 31/10/2011, Cty Xuân Mai thay đổi đăng ký giấy chứng nhận doanh nghiệp, đổi tên Cty TNHH Xuân Mai thành Cty TNHH Xi măng Trung Sơn và đây là “do quyền của DN”.
Trụ sở trong đăng ký kinh doanh của Cty TNHH Xi măng Trung Sơn chỉ cách dự án nhà máy xi măng Trung Sơn đang triển khai tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn của Cty CP tập đoàn Bình Minh khoảng 300m. Theo ông Dũng, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình rất quan tâm đến việc Cty TNHH Xuân Mai đổi tên. Có lẽ, khía cạnh cần quan tâm hơn là việc đổi tên này đã đúng pháp luật chưa và có khiến “cuộc chiến” đòi sở hữu tên “Trung Sơn” trở nên phức tạp thì lãnh đạo tỉnh Hòa Bình chưa thực sự quan tâm.
Đổi tên không đúng pháp luật?
Việc đổi tên thành Cty Xi măng Trung Sơn cho thấy mục đích là sẽ sử dụng tên doanh nghiệp mới làm tên của sản phẩm. Điều này được tiên lượng sẽ làm Cục Sở hữu trí tuệ “bó tay” và không có cách gì để nói Cty này xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác. Vì trước đó, năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã “hủy bỏ một phần”, loại bỏ danh từ Trung Sơn trên đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của sản phẩm xi măng của DN này do trùng với chỉ dẫn thương mại của nhà máy xi măng Trung Sơn của Cty Bình Minh.
Nhưng, việc đổi tên DN của Cty Xuân Mai (tên cũ) có phải là một cách “lách” thành công hàng rào pháp lý để độc chiếm danh từ “Trung Sơn” cho sản phẩm xi măng mà Cty này sản xuất hay không, hay tiếp tục vi phạm pháp luật và mở thêm một “mặt trận” mới cho cuộc chiến pháp lý đang diễn biến phức tạp Câu trả lời đã rõ: Công ty TNHH Xuân Mai đã vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Sự cạnh tranh không lành mạnh này chỉ đem lại lợi ích cục bộ cho một doanh nghiệp, một địa phương, còn ngoài ra thì nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một dự án lớn đã được Chính phủ phê duyệt về phát triển ngành công nghiệp xi măng của cả tỉnh Hòa Bình.
Chưa hết, toàn bộ chuỗi hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Công ty TNHH Xuân Mai còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Được biết, mới đây theo Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm vào cuộc và xử lý dứt điểm những vi phạm này.
Việc đổi tên của Cty Xuân Mai có giúp DN này đạt mục tiêu giữ “Trung Sơn” mà không phạm luật hay không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Anh:
Thưa ông, Cty Xuân Mai đổi tên mới là Cty là Trung Sơn trong khi danh từ này là chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp khác, việc sử dụng tên mới này vi phạm pháp luật không?
- Việc đặt tên DN được quy định trong các Điều 10, 11, 12 và 13 của Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, tên thương mại của các DN không được vi phạm điều cấm được quy định trong nghị định này.
Theo Khoản 4, Điều 11 của Nghị định 88/2006/NĐ-CP, trường hợp tên của DN vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại thì DN có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên. Theo quy định này, lẽ ra không được chấp nhận yêu cầu đổi tên DN của Cty Xuân Mai trong bối cảnh tên yêu cầu đổi đang có tranh chấp sở hữu và tên này là chỉ dẫn thương mại của DN khác. Việc Cục Sở hữu trí tuệ xác định việc sử dụng danh từ Trung Sơn là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của Cty Bình Minh thì Cty Trung Sơn (tên mới) có thể lại phải đổi tên khác.
Việc đổi tên của Cty Xuân Mai cho thấy ý định của Cty này là sẽ tiếp tục đòi quyền sử dụng chỉ dẫn thương mại Trung Sơn của Cty Bình Minh, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ thì Trung Sơn đã được sử dụng là chỉ dẫn thương mại thì sẽ được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, việc đặt tên DN xâm phạm vào quyền sở hữu công nghiệp thì sẽ bị xử lý như đã nêu ở trên.
Đứng dưới góc độ Luật Cạnh tranh thì đây là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh được nêu tại Điều 40 Luật Cạnh tranh. Điều luật này cấm việc sử dụng các chỉ dẫn về thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và biểu tượng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nếu “Trung Sơn” đã là một chỉ dẫn thương mại được bảo hộ thì cố tình sử dụng danh từ này dưới cách này hay cách khác đều không phải là cách cạnh tranh lành mạnh.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Bính