Đối thoại chính sách Thuế - Hải quan: Tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với thái độ thẳng thắn và cầu thị, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính (TTHC), kết hợp hiện đại hóa (HĐH) trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Thoibaotaichinh.vn)
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Thoibaotaichinh.vn)

Nhiều kết quả tích cực

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại về chính sách, TTHC thuế và hải quan năm 2023 do Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm qua (13/12), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (NLCTQG) các năm qua cũng như trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho DN.

Cụ thể, từ năm 2014 đến nay (9 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 3 Bộ đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) (Par Index) do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố. Bộ Tài chính cũng luôn chú trọng công tác tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ để đưa các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các TTHC kết hợp HĐH trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN, cải thiện MTKD, nâng cao NLCTQG. Cập nhật và công bố, công khai đầy đủ danh mục điều kiện kinh doanh theo quy định.

Trong lĩnh vực thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế theo phương thức điện tử: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc với 99,9% DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 98,9% DN thực hiện nộp thuế điện tử; 99% DN tham gia hoàn thuế điện tử.

Đặc biệt, hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022 với toàn bộ các tổ chức, DN đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng HĐĐT và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo quy định; Triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) từ ngày 21/3/2022 để tạo thuận lợi cho việc khai, nộp thuế và quản lý thuế cho NCCNN...

Trong lĩnh vực hải quan, ngay từ đầu năm 2023, ngành Hải quan đã thực hiện 10 nhóm chỉ tiêu cải cách và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng DN tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...

Bên cạnh đó, ngành Hải quan tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM), góp phần đơn giản hoá thủ tục đưa hàng hoá khỏi kho, bãi, cảng, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan Hải quan và DN, giảm thời gian đi lại của người dân, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi. Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại nên đến nay, đã có trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình đạt khoảng 62,14 % tổng số dịch vụ công...

Đồng thời, ngành Hải quan phối hợp với 13 Bộ, ngành để thực hiện 250 TTHC về quản lý, kiểm tra chuyên ngành với trên 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64,7 nghìn DN đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; Tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN thông qua Cơ chế một cửa ASEAN…

Tiếp tục cải cách toàn diện

Tại Hội Hội nghị, nhiều ý kiến đã ghi nhận những nỗ lực của ngành Thuế - Hải quan trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN.

Chia sẻ về những lợi ích của Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, nhiều DN đề nghị Tổng cục Hải quan mở rộng chương trình để có thêm nhiều DN được tham gia.

Hầu như không có nhiều ý kiến về cơ chế chính sách hay TTHC, đa số các ý kiến của DN tại Hội nghị đều liên quan đến những vấn đề cụ thể của DN và đề nghị Tổng cục Thuế, các Cục Thuế hướng dẫn như: Chuyển đổi mã số Căn cước công dân thành mã số thuế; Kê khai thuế sót, có được kê khai vào kỳ tiếp theo không; Vấn đề kê khai và khấu trừ thuế tại tỉnh; Gia hạn nộp Tờ khai cho DN trong trường hợp khai hải quan bị nghẽn mạch; Chi phí đi công tác, nhưng không được đóng dấu đi đường, có được tính là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN: Trường hợp mua hàng hóa của DN đang hoạt động nhưng có gian lận về thuế mà bên mua không biết, Vấn đề hoàn thuế, Xuất HĐĐT bán lẻ xăng dầu…

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn cho DN và đề nghị các Cục Thuế tiếp tục hỗ trợ DN…

Về những giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. “Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách TTHC theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh HĐH các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới DN, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và DN để cải thiện MTKD, góp phần nâng cao NLCTQG” - Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Đọc thêm