Đời thường của vị tướng huyền thoại qua ảnh

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn – Phóng viên ảnh TTXVN nâng niu, gìn giữ những tấm phim, những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hơn 30 năm ròng rã. Đây là 101 khoảnh khắc về kỷ niệm dung dị, câu chuyện đời thường của vị tướng huyền thoại.  

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn – Phóng viên ảnh TTXVN - nâng niu, gìn giữ những tấm phim, những bức ảnh về đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hơn 30 năm ròng rã. Đây là 101 khoảnh khắc về những kỷ niệm dung dị, những câu chuyện đời thường của vị tướng huyền thoại.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn nhớ lại: “Năm 1976, khi làm phóng viên ảnh của Phân xã Thừa Thiên-Huế, tôi được phân công chụp ảnh, đưa tin hoạt động Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đó là lần đầu tiên tôi chụp hình Đại tướng. Công việc của một nhà báo, một nghệ sĩ cộng với sự kính trọng, ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạo cho tôi ý thức lưu giữ những hình ảnh về Đại tướng".

Đại tướng và bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Hồi (1996)

Hơn 30 năm qua, có điều kiện là Trần Tuấn chụp ảnh Đại tướng. Những thước phim được lưu giữ cẩn thận nên đến nay chất lượng phim vẫn tốt, hình ảnh vẫn nét. Đặc biệt từ năm 1984 đến năm 1996, khi cùng với đồng nghiệp xây dựng bộ phận video, Trần Tuấn còn quay được rất nhiều thước phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với hai chiến thắng vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam,  thế nhưng hàng chục năm trời có may mắn được tiếp xúc với Đại tướng, được tháp tùng Đại tướng trong các chuyến công tác với nhiệm vụ chụp ảnh, quay phim, tôi thấy người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam rất giản dị, tình cảm, chu đáo và cẩn thận”, nhà nhiếp ảnh chia sẻ.

Đại tướng đến thăm Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Thiếu tướng Lê Nam Khánh đang giới thiệu với Đại tướng về các cán bộ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tháng 4-1976

Mỗi bức ảnh được trưng bày ở Triển lãm “101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” đều gắn với một kỷ  niệm. Ở đó, người xem thấy một vị tướng giữa đời thường gần gũi và thân thiện. Những bức ảnh thể hiện tình cảm của Đại tướng và cũng thể hiện tình cảm của những người có may mắn được gặp ông.

Nhiều bức ảnh rất dung dị nhưng rất đẹp và ý nghĩa. Đó là ảnh Đại tướng thưởng ngoạn hoa bạch trà trong vườn nhà, ảnh Đại tướng ngồi đợi tàu ở nhà ga Giơnevơ(Thụy Sĩ) để đi Zurích, ảnh nụ cười của Đại tướng và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Hồi...

Đại tướng ngồi chờ tàu ở ga Geneva (Thụy Sĩ) như nhiều hành khách khác để đến Zurich (21/9/1996)

Một trong 101 bức ảnh là bức “Thượng tá, họa sỹ Lê Duy Ứng vẽ chân dung Đại tướng”.

Ngày 28/4/1975, khi tham gia đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn họa sĩ Lê Duy Ứng đã bị trúng đạn hỏng cả hai mắt. Khi trước mắt ông chỉ một màu đen, họa sĩ đã lấy máu chảy ra từ 2 hốc mắt, dùng ngón tay vẽ hình Bác Hồ. Bức tranh “Ánh sáng và niềm tin - Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân” ấy đã trở nên bất tử.

Trải qua 2 cuộc phẫu thuật ghép giác mạc, mắt khi sáng tỏ, khi mờ đục, có lúc tối hẳn nhưng họa sĩ Lê Duy Ứng vẫn không ngừng sáng tạo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ngồi làm mẫu cho họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ. 

Thượng tá, họa sỹ Lê Duy Ứng vẽ chân dung Đại tướng

Nhà báo Trần Tuấn kể: Kỷ niệm đẹp nhất khi chụp ảnh Đại tướng là cuộc gặp của Đại tướng với ông Năm Được (tên thật là Nguyễn Văn Được) ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Được nguyên là Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến thời kỳ 1946-1952. "Hình ảnh hai người lính già ôm nhau mừng mừng, tủi tủi thật cảm động. Những câu chuyện những ngày kháng chiến 9 năm trở về ấm áp và hào hùng. Tôi không biết diễn tả bằng lời như thế nào nên chỉ biết liên tục bấm máy để lưu lại khoảnh khắc ấy", ông Tuấn bày tỏ.

Với riêng mình, nhà báo Trần Tuấn không thể nào quên được sự ân cần của Đại tướng khi anh bị đau ruột thừa vào năm 1996 ở Vũng Tàu: “Một sáng, chạy được vài vòng trên bãi biển thì tôi đau bụng dữ dội” - Nhà báo Trần Tuấn nhớ lại. “Tôi nói với Đại tướng: Tôi đau bụng quá anh Văn ạ. Đại tướng bảo tôi về để bác sĩ Nguyễn Văn Nhựa - bác sĩ riêng của Đại tướng khám cho tôi. Bác sĩ Nhựa phán đoán tôi bị viêm ruột thừa. Nếu không mổ gấp thì nguy hiểm đến tính mạng. Nghe thấy thế Đại tướng đề nghị đưa tôi về Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Tôi từ chối vì không muốn làm phiền ông. Sau đó, bác sĩ Nhựa đã liên lạc với Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa-Vũng Tàu. Bác sĩ Nguyễn Thị Lưu – Phó Giám đốc bệnh viện đã ngay lập tức tổ chức hội chẩn. Các bác sĩ phán đoán tôi bị đau ruột thừa nên quyết định mổ luôn. Các bác sĩ bảo may là tôi đến kịp, chỉ chậm một chút nữa thì ruột thừa vỡ ra”.

Bức ảnh ấn tượng nhất tại triển lãm là ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay tướng 5 sao của Mỹ Mc Namara tại Nhà khách Chính phủ vào năm 1997. Hai cựu bộ trưởng một thời ở hai chiến tuyến hơn hai mươi năm sau đã bắt tay nhau thật chặt. 

Đại tướng tiếp Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara tại Nhà khách Chính phủ (1997)

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn không phải là người duy nhất chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng “101 khoảnh khắc” của ông là một tài sản vô cùng quý giá và ý nghĩa. 

Đại tướng lắng nghe ông Năm Được (Nguyễn Văn Được) nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 1946-1952, kể về cuộc chiến đấu gian khổ trong những năm kháng chiến chống Pháp.
 

PLVN

Đọc thêm