Đời truân chuyên của 'Góa phụ đen'

(PLO) - Jacqueline Bouvier Kennedy không phải là người có khuôn mặt đẹp thiên thần, không có một thân hình gợi cảm hoặc một gia sản giàu có, nhưng đã thu hút được những người đàn ông giàu có và thế lực trên thế giới. Sống trong danh vọng và giàu sang, cuộc đời của người đàn bà này trải qua không ít truân chuyên và những nỗi đau của một “góa phụ đen”.
Jacqueline và John Kennedy
Jacqueline và John Kennedy

Lấy chồng triệu phú-ý nghĩ này đã len vào đầu Janet Norton Lee - người mẹ của Jacqueline, bởi bà vô cùng sợ hãi sự nghèo túng. Janet lớn lên trong một gia đình quý tộc Mỹ đã phá sản trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế cuối những năm 20 của thế kỷ trước.

Bà ly dị người chồng- một nhà môi giới  và là người thừa kế giàu có tên là John Bouvier sau 10 năm chung sống. Ông chồng là một người hào hoa, nghiện rượu kinh niên, mê cờ bạc và háo sắc. Gia tài lớn được thừa hưởng đã bị ông ta nhanh chóng phung phí cho các nhân tình, những chú ngựa và cuộc sống xa hoa. Sau khi ly dị, bà Janet đã lấy một đàn ông đáng tin cậy hơn, giàu có đã góa vợ và có một con riêng.

Ảnh hưởng từ cha mẹ

Jacqueline đã cùng với mẹ và chị gái là Caroline chuyển đến sống trong ngôi nhà giàu sang của cha dượng ở ngoại ô New York. Tuy nhiên, gia đình mới đã không làm cho các cô bé được vui vẻ. Vào những ngày nghỉ Jacqueline đến chơi với người cha đẻ mà cô rất yêu quý.

Ông John Bouvier đã dạy cô bé ăn mặc đẹp và dạy cưỡi ngựa. Cô được thừa hưởng từ cha mình sự duyên dáng và điều này đã có tác động không thể phủ nhận đối với đàn ông. Người ta thường nói rằng John Kennedy - người chồng tương lai của Jacqueline có tính cách giống với cha của cô, cũng là người trăng hoa và hấp dẫn.

Jacqueline làm quen với J.Kennedy vào năm 1952 tại một buổi chiêu đãi dành cho giới báo chí. Ở tuổi 35 John từng là một thượng nghĩ sỹ trẻ nhất nước Mỹ, là con trai của một dòng họ giàu có và là một anh chàng độc thân đáng mơ ước. Còn Jacqueline khi đó 23 tuổi đang là một phóng viên ảnh báo chí làm việc ở Washington. Cô nhận lương 50 USD mỗi tuần, đi trên chiếc xe hơi nhỏ đã cũ và khi đó đã đính hôn với một chàng trai khiêm nhường là một người môi giới chứng khoán.

Jacqueline Kennedy
Jacqueline Kennedy

Sau khi gặp gỡ với John Kennedy đầy tương lai tươi sáng, cô đã ngay lập tức hủy bỏ hôn ước của mình. Jacqueline có một năm đủ để có được cuộc hôn nhân cùng với chú rể mới hoàn hảo. Được biết rằng nghệ thuật quyến rũ của Jacqueline không phải là bằng phẳng: cô biết làm thế nào để được đàn ông tâng bốc và thể hiện sự ngưỡng mộ đối với mình, và khi cần thì giả bộ hơi ngốc nghếch. “Một nàng tiên!” đã có lần John Kennedy hoan hỉ nói về Jacqueline như vậy.

Không có gì ngạc nhiên rằng cô gái với cách cư xử khéo léo, sự am hiểu của người đã từng học văn học Pháp ở Sorborn đã hấp dẫn được không chỉ anh chàng John hơi cục cằn mà còn cả gia đình giàu có của anh ta, đặc biệt là người trưởng họ-ông bố Joseph Kennedy.

Ông đã quả quyết rằng khó tìm được món nào tốt hơn cho John và cương quyết hướng cậu con trai ham chơi cưới vợ. Trong “đám cưới của năm”, như báo chí viết, có sự góp mặt của toàn bộ giới tinh hoa của nước Mỹ. Dẫn Jacqueline vào lễ đường là người cha dượng, bởi cha đẻ của cô vì quá chén nên không thể đứng vững được.

Đệ nhất phu nhân

Khi John Kennedy trở thành tổng thống vào năm 1961, Jacqueline không mấy khó khăn để chiếm được cảm tình không chỉ của nước Mỹ mà của cả thế giới đối với mình. Ngưỡng mộ đệ nhất phu nhân Mỹ 32 tuổi còn có nhiều nguyên thủ quốc gia khác, từ tổng thống Pháp Charles de Gaulle cho đến Tổng bí thư Liên xô Nikita Khrushchev. Là người tinh tế, có học thức, nói được một số ngôn ngữ châu Âu, Jacqueline có thể trò chuyện từ đề tài chính trị cho đến nghệ thuật ba lê.

Luôn ăn mặc thanh lịch, bà thực sự là một biểu tượng về phong cách, tuy ít người biết rằng phong cách có tính thương hiệu của Jacqueline đã che giấu được những khiếm khuyết của mình: bộ ngực nhỏ, đôi chân to đi cỡ giày 40, đôi mắt mở rộng, bàn tay thô. Để che đi những khiếm khuyết này, Jackie mặc áo khoác ngắn có tay áo rộng, đeo găng tay dài thanh lịch, đôi giày màu hồng nhạt có đế thấp, đeo kính mát to bản. 

Phong cách thanh lịch của Jacqueline đã mang đến sự hài lòng cho cả thế giới nhưng với điều này bà lại không giữ được sự chung thủy của chồng mình. Thậm chí sau khi trở thành tổng thống, Kennedy vẫn không thể bỏ được cố tật của một người trăng hoa: ông không bỏ qua sự quan tâm của mình đối với các siêu sao tầm cỡ như Marilyn Monroe cho đến những nữ tiếp viên hàng không bình thường mà dễ thương.

Jacqueline phải dìm những nỗi đau khổ của mình trong việc mua sắm bất tận, bà thay đổi cách trang trí Nhà Trắng theo phong cách riêng của mình và chăm sóc các con. Sau một vài lần gặp biến cố sảy thai và một đứa con bị chết yểu, bà đã sinh hạ được cô con gái Caroline và con trai là John.

Jacqueline và Aristotele Onassis
Jacqueline và Aristotele Onassis

Jacqueline tại vị chức danh Đệ nhất phu nhân được 2 năm 9 tháng và 2 ngày. Vào ngày 22/11/1963, bà Kennedy trở thành góa phụ sau một cảnh tượng hãi hùng nhất khi người chồng bị bắn trên chiếc xe mui trần ngay trước mắt mình, đầu của ông bị đạn xuyên thủng và gục xuống đầu gối của bà. Thời điểm đó họ đang trên đường đi đến Dallas để gặp gỡ các cử tri.

Cả thế giới vẫn còn nhớ đến trang phục màu hồng rất nữ tính của hãng Chanel mà Jacqueline mặc khi đó đã bị thấm đẫm máu của John Kennedy. Trong suốt hai ngày sau đó người vợ góa đã không chịu cởi bỏ chiếc áo hồng và tuyên bố: “Cứ để cho họ nhìn thấy điều mà họ đã làm”. Nghe nói vụ giết người đáng sợ này đã làm cho bà mắc chứng rối loạn tâm lý.

Những năm đầu tiên sau tấn bi kịch trên, người ta nhìn thấy Jacqueline không chỉ một lần bị say rượu tại những nhà hàng đắt tiền. Bà cợt nhả với các nghệ sỹ như Marlon Brando và tìm sự an ủi từ người em chồng là chính trị gia trẻ tuổi Robert Kennedy.

Theo tin đồn thì đối với Jacqueline, Robert không chỉ là một người bạn mà còn là một người tình. Vào năm 1968, cũng như anh trai mình Robert đã bị ám sát, khi đó Jacqueline đã vô cùng sợ hãi. “Tôi muốn rời khỏi đất nước này! - bà nức nở. -  Nếu họ đã giết Kennedy vậy thì các con tôi cũng là đích ngắm…”. Jacqueline tìm lối thoát cho mình trong cuộc hôn nhân mới.

“Góa phụ đen”

Vào tháng 11/1968 người vợ góa Jaqueline của tổng thống Mỹ kết hôn với nhà tỷ phú tàu biển Hy Lạp Aristotel Onassis. Hôn lễ diễn ra trên hòn đảo Hy lạp Skorpios và trở thành một vụ scandal trên thế giới. “Bà ấy đã phản bội kỷ niệm về người chồng, “Jacqueline, sao bà có thể?!”, “John Kennedy đã chết lần thứ hai”- các bài báo với những tít bài như vậy đã viết về đám cưới tai tiếng này.

Onassic hơn Jackie 23 tuổi, thấp hơn bà 8cm, nhưng điều chủ yếu là có uy thế như một thương gia mafia. Từng được coi là một báu vật quốc gia, Jacqueline ngay lập tức bị coi là một kẻ phản bội. “Không một gái mại dâm nào trên thế giới lại bán mình đắt giá như thế”-một nhà báo đã viết về bà một cách tàn nhẫn.

Trong hợp đồng hôn nhân của Jacqueline-Onassis có 170 điều khoản, trong số đó có: không chung giường; “yêu” không quá 3 lần mỗi tuần; 9,6 triệu USD tiền phạt nếu chồng hoặc vợ phản bội. Những tờ báo lá cải trên thế giới đưa tin, trong cuộc hôn nhân 7 năm của Jacqueline với người chồng Hy Lạp, bà đã tiêu tốn biết bao nhiêu tiền cho việc mua sắm với hàng núi trang phục thương hiệu đẳng cấp, hàng trăm đôi giày, các bức tranh quý, áo lông thú, đồ cổ…

Jacqueline và Maurice Templman
Jacqueline và Maurice Templman

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân không mang lại hạnh phúc cho Onassis, không chỉ bởi hàng triệu đô-la của ông đã bị tan biến. Những biến cố bất hạnh cứ lần lượt xảy ra trong cuộc sống của ông: cái chết bất ngờ của người con trai duy nhất, người vợ cả qua đời, con gái của ông toan tự sát. Khi bản thân Onassis bị ốm nặng thì Jacqueline và các con bà đã không còn sống chung cùng với ông.

Từ nước Mỹ, bà chỉ đến lễ mai táng của ông vào năm 1975. Sau cái chết của chồng, bà đã khởi kiện đòi con gái Onassis 26 triệu USD và chấp nhận rời xa gia đình này. Vết nhơ “Góa phụ đen” mang đến sự bất hạnh đã gắn liền với Jacqueline suốt cuộc đời. Người bạn đời cuối cùng của bà Jacqueline là nhà buôn kim cương Moris Templman, người đã vì Jacqueline mà từ bỏ vợ và 3 đứa con. 

Về cuối đời, Jacqueline là một biên tập viên khiêm tốn của một nhà xuất bản sách tại New York, rõ ràng bà làm công việc này không phải vì tiền. Bà từng muốn viết hồi ký về cuộc đời của mình nhưng đã không kịp. Năm 1994, Jacqueline Bouvier qua đời vì bệnh ung thư, khép lại trang đời của một người đàn bà giàu có, danh tiếng nhưng cũng đầy nỗi truân chuyên bên cạnh những ông chồng quyền thế và giàu có bậc nhất trên thế giới...

Đọc thêm