'Đổi' tuổi thanh xuân lấy sức khỏe cho người dân vùng cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Pá Lau là một xã vùng cao của huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Thế nhưng nơi đây hàng ngày vẫn có những y, bác sĩ đã và đang đánh đổi cả tuổi thanh xuân, hết lòng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bác sĩ Phương (đứng giữa hàng đầu) và các cán bộ tại Trạm y tế xã Pá Lau chụp ảnh cùng người bệnh.
Bác sĩ Phương (đứng giữa hàng đầu) và các cán bộ tại Trạm y tế xã Pá Lau chụp ảnh cùng người bệnh.

Nữ trạm trưởng hơn 20 năm vẫn một lòng bám bản, bám dân

Từng là đội viên của Đội y bác sĩ trẻ tình nguyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái, sau 2 năm, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương được tuyển dụng vào làm công tác chính trong ngành y tế. Hơn 20 năm công tác, bác sĩ Phương đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho ngành y tế Trạm Tấu – một huyện khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái.

Sau 9 năm công tác tại Trạm y tế xã Pá Lau, bác sĩ Thu Phương được luân chuyển công tác về xã Làng Nhì, một trong những xã xa nhất, khó khăn nhất của huyện Trạm Tấu. Thế nhưng như một mối lương duyên, sau 11 năm, nữ bác sĩ lại được trở về Pá Lau, nơi đầu tiên chị gắn bó khi vừa đảm nhận công việc.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương hiện là Trạm trưởng Trạm y tế xã Pá Lau, nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe ban đầu và tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho người dân trên địa bàn xã.

Xã Pá Lau là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trạm Tấu. Do nằm biệt lập trên núi cao nên nơi đây điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt các thôn bản, 100% bà con sinh sống là người dân tộc Mông với trình độ dân trí và nhận thức còn hạn chế... Ngoài ra, vấn đề bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa phong tục cũng là một cản trở lớn vô cùng lớn. Song vượt qua tất cả thử thách, bác sĩ Phương và đồng nghiệp đã hòa mình với cuộc sống của người dân và từng bước giúp họ cải thiện sức khỏe, cải thiện cuộc sống. Tình trạng người dân bị ốm tự điều trị ở nhà hoặc làm cúng ma giờ đây đã cải thiện đáng kể.

Trải qua biết bao thăng trầm trong quá trình công tác, bác sĩ Phương vẫn nhớ như in một kỷ niệm cách đây đã 12 năm và đó cũng chính là động lực giúp chị luôn cống hiến hết mình cho công việc. Năm 2012, nhờ sự có mặt kịp thời và đưa ra lời khuyên đúng mà chị đã góp phần cứu sống 2 mạng người.

“Sự việc ngày hôm đó khiến tôi nhớ mãi. May mắn khi tôi đã chẩn đoán đúng, tư vấn kịp thời và được người dân tin tưởng để góp phần cứu sống 2 mạng người”, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Pá Lau chia sẻ.

Để gia tăng hiệu quả trong điều trị cho người bệnh, bên cạnh nguồn thuốc do nhà nước cấp, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương còn sưu tầm và tự tay trồng, chăm sóc nhiều cây thuốc Nam quý trong chính nơi làm việc của mình.

Để gia tăng hiệu quả trong điều trị cho người bệnh, bên cạnh nguồn thuốc do nhà nước cấp, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương còn sưu tầm và tự tay trồng, chăm sóc nhiều cây thuốc Nam quý trong chính nơi làm việc của mình.

Nghề y công việc vô cùng vất vả, nhưng với những "chiến sĩ" công tác tại non cao như bác sĩ Phương thì nỗi vất vả ấy lại nhân lên gấp bội phần. Đặc biệt, gánh trên vai trách nhiệm của người trạm trưởng, người phụ nữ có dáng hình nhỏ bé như bác sĩ Phương đôi lúc cũng cảm thấy "choáng ngợp". Nhưng dù vất vả thế nào thì người phụ nữ ấy chưa từng có suy nghĩ sẽ ngừng cống hiến cho công việc hiện tại.

“Nhiều khi cũng cảm thấy quá sức mình song bên cạnh tôi vẫn luôn có sự sát cánh của đồng nghiệp, tấm lòng yêu thương giản dị của bà con dân bản. Chính những điều ấy khiến tôi càng phải cố gắng nhiều hơn. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn lựa chọn nghề y và nguyện cống hiến hết mình. Tôi mong muốn con của mình sau này cũng sẽ theo học ngành y để tiếp tục giúp đỡ những bệnh nhân còn khó khăn trong cuộc sống”, bác sĩ Phương bộc bạch.

Khó khăn đến mấy cũng vượt qua, nguyện cống hiến vì sức khỏe nhân dân

Công tác tại Trạm Y tế xã Pá Lau từ năm 2006 đến nay đã được hơn 18 năm, song chị Lê Thùy Vân – cán bộ phụ trách thai sản, chưa có nhiều dịp để "thể hiện"trình độ chuyên môn của mình. Chị Vân cho biết do người dân nơi đây có thói quen khi sinh đẻ thường không đến trạm y tế, dù các y bác sĩ đã tuyên truyền vận động rất nhiều nhưng tình trạng này cải thiện không đáng kể.

Dành cả thanh xuân cống hiến cho ngành y tế Pá Lau, đã trải qua muôn vàn khó khăn vất vả, chị Thùy Vân nghĩ rằng không còn trở ngại nào có thể ngăn chị và đồng nghiệp tiếp tục cống hiến.

“Ngày xưa vất vả nhiều hơn, đường sá đi lại khó khăn phải di chuyển mất hàng tiếng đồng hồ, ngã xe liên tục lại có thêm con nhỏ, kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn vượt qua được. Bây giờ điều kiện đã thuận lợi hơn rất nhiều thì không có lý do nào để ngừng cống hiến. Càng cống hiến, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh của người dân tôi cảm thấy càng thương, đồng cảm với họ nhiều hơn. Chính vì thế tôi luôn muốn dành tất cả những dịch vụ tốt nhất, miễn phí cho người dân nơi đây”, chị Lê Thùy Vân nói.

Bác sĩ Cứ A Tu thăm khám cho người dân.

Bác sĩ Cứ A Tu thăm khám cho người dân.

Là người con của huyện Trạm Tấu, bác sĩ trẻ Cứ A Tu (30 tuổi, cán bộ Trạm Y tế xã Pá Lau) luôn mong muốn được cống hiến cho quê hương nên sau khi ra trường anh đã lựa chọn xã vùng cao Pá Lau là nơi làm việc. Trong quá trình công tác tại đây, khi thấy người dân trình độ nhận thức còn hạn chế, không biết về bệnh tình, không biết dùng thuốc, không có tiền để chữa bệnh..., bác sĩ Tu không ngừng trăn trở và đã tự hứa với bản thân, phải dốc hết sức để công tác y tế tại xã Pá Lau ngày càng khởi sắc hơn.

“Tôi là một người con dân tộc Mông và tôi may mắn hơn nhiều bà con khi được học hành, nâng cao hiểu biết. Nhìn thấy bà con nhận thức còn hạn chế và cuộc sống còn nhiều vất vả, tôi luôn mong muốn được giúp đỡ, góp phần cải thiện đời sống cho bà con bởi tôi coi họ như những người thân trong gia đình. Tôi nguyện cống hiến cho bà con nơi đây đến khi nào không thể”, nam bác sĩ bộc bạch.

Vợ chồng anh chị Giàng A Phử - Thào Thị Ly là những bệnh nhân từng nhiều lần điều trị tại trạm y tế xã Pa Lau và luôn coi các y bác sĩ là ân nhân, là người thân trong gia đình. “Nhờ có các y bác sĩ tại trạm y tế mà cuộc sống của người dân chúng tôi được quan tâm và cải thiện hơn. Dù trong hoàn cảnh và thời gian nào, các y bác sĩ cũng không ngần ngại cứu chữa cho bà con. Tôi cũng luôn vận động bà con khi có bệnh thì cần đến trạm y tế để thăm khám, xin thuốc. Vợ chồng tôi rất thương và cảm ơn các bác sĩ đã luôn cứu chữa cho chúng tôi nhiệt tình.”