Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội về dự thảo Luật nói trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ mong muốn bằng luật sửa đổi này khẳng định đúng bản chất trợ giúp pháp lý (TGPL) là trách nhiệm của nhà nước, muốn nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL để những người thụ hưởng được hưởng chất lượng của TGPL giống người có điều kiện khác. Bảo đảm tính khả thi tức là phù hợp với điều kiện hiện có, nâng cao chất lượng, hiệu quả ngân sách nhà nước vì đây là tiền của nhà nước và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Trên cơ sở đó có rà soát và bổ sung các đối tượng mới và đưa ra các yêu cầu đối với tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ TGPL.
Dự thảo lần này cũng cải tiến đáng kể quy trình thủ tục, ví dụ như mở rộng và chấp nhận mọi hình thức yêu cầu TGPL. Theo đó, người có yêu cầu có thể nộp đơn trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện bưu điện, điện tử v.v... và có quy định phải giải quyết ngay cả khi chưa đủ hồ sơ chứng minh mình thuộc diện được TGPL.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long: Luật TGPL hiện hành có 6 diện đối tượng được TGPL và dự thảo luật trình Quốc hội có 14 diện đối tượng được TGPL. Những người hiện tại đang thụ hưởng TGPL theo quy định của pháp luật thì không có thay đổi, không bớt đi. Theo thống kê sơ bộ, chúng ta bổ sung đối tượng được TGPL như dự thảo thì diện người được hưởng TGPL so với pháp luật hiện hành tăng từ 17 triệu lên 31 triệu. “Bản chất ở đây là xuất phát từ nguyên lý là những người được TGPL phải là những người yếu thế, những người không có khả năng chi trả về mặt tài chính, vấn đề này hoàn toàn phù hợp với quy định của 2 Công ước quốc tế: Công ước quốc tế năm 1966 về quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về quyền trẻ em”. Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời cho biết, xuất phát từ tiêu chí những người có khó khăn về tài chính cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và dịch vụ TGPL phải có chất lượng, trong khi nguồn lực hạn chế nên dự thảo đã quy định như đã trình Quốc hội.
Còn theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội : việc xác định diện người được trợ giúp pháp lý (TGPL) cần phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tính khả thi. Theo đó, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý bảo đảm kế thừa quy định trong Luật hiện hành các đối tượng đang được TGPL theo Luật TGPL năm 2006, các luật khác và văn bản dưới luật có liên quan, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời bổ sung thêm 02 nhóm đối tượng mới (người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính) được TGPL. Quy định về người được TGPL như dự thảo Luật theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho việc bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý một cách có chất lượng, hiệu quả. Khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các đối tượng mới vào Luật TGPL.
Đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám, Kon Tum tán thành với các đối tượng TGPL được quy định tại dự thảo. Tuy nhiên, ĐB nhận thấy việc bổ sung người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo vào đối tượng TGPL nhưng lại không TGPL cho người thuộc hộ nghèo là người bị hại trong vụ án hình sự là chưa đầy đủ. Vì vậy ĐB Tám đề nghị nên xem xét bổ sung đối tượng là người thuộc hộ cận nghèo, là người bị hại trong vụ án hình sự vào đối tượng TGPL khi họ có yêu cầu.
ĐB Vương Ngọc Hà, Hà Giang thì lo ngại “khi chúng ta mở rộng các đối tượng với 7 nhóm đối tượng như dự thảo thì áp lực đè lên cơ quan TGPL ở các tỉnh miền núi rất lớn”. Bởi, riêng việc TGPL đối với hoạt động tố tụng cũng đã là một gánh nặng. chưa kể thêm một việc nữa là đại diện ngoài tố tụng và tư vấn pháp luật đối với đồng bào, Tán thành việc Ban soạn thảo đưa vào dự thảo về việc hỗ trợ thêm về kinh phí, ĐB Hà mong muốn Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ vào cuộc ngay cùng với Bộ Tư pháp để tính toán nguồn lực để đảm bảo khi luật ban hành có thể thực hiện được trên các khu vực miền núi.
Cùng mối quan tâm về người được TGPL, ĐB Phạm Thị Thanh Thủy, Thanh Hóa cho rằng, dự thảo đã thu hẹp hơn so với quy định của các luật chuyên ngành. Đơn cử quy định người khuyết tật, nạn nhân trong vụ việc mua bán người theo quy định của Luật phòng chống mua bán người, Luật người khuyết tật nhưng phải có khó khăn về tài chính là không khả thi. Do đó, ĐB đề nghị dự thảo luật giữ nguyên quy định các trường hợp theo pháp luật hiện hành.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy - tỉnh Thanh Hóa đề nghị giữ quy định hiện hành về người được trợ giúp pháp lý |
Tại phiên thảo luận nhiều ĐB mong muốn mở rộng hơn nữa đối tượng được TGPL. ĐB Ngàn Phương Loan, Lạng Sơn đề nghị bổ sung thêm trường hợp là người bị xâm hại. Bởi lẽ đây là nhóm người yếu thế trong xã hội, có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao cung cấp dịch vụ pháp lý. Hơn nữa, nạn nhân trong các vụ việc này phải chịu tổn hại rất lớn về thể trạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị bỏ yếu tố khó khăn về tài chính đối với đối tượng là người khuyết tật, cha đẻ, mẹ đẻ, vợ chồng, con của liệt sỹ và người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.
Trước luồng ý kiến đề nghị mở rộng thêm đối tượng được TGPL, ĐB Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình khẳng định đây là một chế định quan trọng, càng mở rộng được nhiều đối tượng càng tốt. Tuy nhiên, ĐB cho rằng việc mở rộng đến đâu thì phải có căn cứ, phải có nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.
“Hiện nay dịch vụ TGPL chất lượng còn hạn chế, chúng ta vẫn coi là một dịch vụ hạng hai, những gì miễn phí, cho không, thì thường chúng ta cho là chất lượng không cao. Hơn nữa, trước đây nguồn lực của chúng ta nước ngoài tài trợ rất nhiều, nhưng từ khi chúng ta trở thành nước có thu nhập trung bình thì nguồn lực của chúng ta rất hạn chế. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng đến đâu là một vấn đề rất quan trọng cần phải tính toán cẩn thận và phải bảo đảm nâng cao chất lượng của dịch vụ này”. ĐB nói và bày tỏ sự tán thành với phạm vi người được TGPL như đã được tiếp thu giải trình của UBTVQH.