TGPL cho nạn nhân bạo lực gia đình: Mong 'con đường' dễ đi

(PLO) - Là nạn nhân bạo lực gia đình, tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất, không ít người có mong muốn được trợ giúp pháp lý để tìm lại công bằng. Nhưng “hành trình”  tìm đến sự bảo vệ của pháp luật xem ra cũng không ít gian nan…
Chuyên gia tư vấn pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình (ảnh minh họa).
Chuyên gia tư vấn pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình (ảnh minh họa).

Nhiều nạn nhân bạo lực gia đình chưa được trợ giúp pháp lý

Theo số liệu thống kê, trong các năm 2011-2015 có gần 158 nghìn vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), trong đó trường hợp nạn nhân là nữ chiếm 74,24%, trẻ em chiếm 11,4%, người cao tuổi chiếm 8,91%... Mỗi năm có hơn 8 nghìn vụ li hôn mà nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Nhưng trên thực tế 87% nạn nhân bị bạo hành chưa tìm đến sự trợ giúp pháp lý (TGPL), trừ các vụ việc nghiêm trọng hay các vụ xử lý hình sự.

Từ góc độ của Ngôi nhà Bình yên, trong hơn 6 năm hoạt động  (2007-2013), Ngôi nhà Bình yên đã đón 379 người tạm trú là nạn nhân BLGĐ. 71% số người tạm trú bị cả 3 hình thức bạo lực là thể chất, kinh tế, tình dục nên rất nhiều người có tâm trạng hoảng loạn tinh thần, suy kiệt sức khỏe và “tay trắng” về kinh tế, tài sản. Lúc này các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân, trong đó có hỗ trợ pháp lý là rất cần thiết để giúp họ trở lại cuộc sống. Tuy nhiên, chỉ có 58% nạn nhân nhận được sự TGPL từ các luật sư, như vậy là cứ 10 người bị bạo hành, chỉ có 5 người được hỗ trợ pháp lý. 

Theo quy định tại Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì các đối tượng được TGPL bao gồm 4 loại đối tượng: người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quy định như vậy đã khiến rất nhiều người, kể cả các luật sư hiểu rằng, ngoài 4 loại đối tượng trên thì các nhóm đối tượng khác, trong đó có nạn nhân BLGĐ… nằm ngoài luật. 

Năm 2013, trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo “Công tác bảo vệ nạn nhân và quy trình xử lý vụ việc BLGĐ”, bà Tạ Thị Minh Lý - nguyên Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp cho biết, đúng là Luật TGPL năm 2006 chỉ quy định 4 đối tượng, nhưng trong luật cũng có một điều khoản mở là: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó” (Điều 2 Luật TGPL).

Đối với nạn nhân BLGĐ thì “điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” chính là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam đã tham gia và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 19/3/1982.  

Mặt khác, bên cạnh đó, Luật Phòng chống BLGĐ cũng có quy định nạn nhân BLGĐ có quyền được “cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật ” (Khoản 1 Điều 5).

Hiện nay, Luật Trợ giúp pháp lý đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và theo dự thảo luật mới nhất, nạn nhân bị BLGĐ nằm trong nhóm người có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý. Cũng theo dự thảo luật, người được TGPL có nghĩa vụ phải cung cấp giấy tờ chứng minh mình là người đủ điều kiện được trợ giúp pháp lý; cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu và chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.

Tạo điều kiện để người dân được pháp luật bảo vệ

Phản hồi về quy định này, nhiều cán bộ gia đình ở địa phương cho rằng quy định nạn nhân BLGĐ phải có giấy tờ chứng minh mình thuộc diện TGPL là làm khó cho người dân. Bởi, trên thực tế việc nạn nhân BLGĐ phải đến nhờ cậy đến trợ giúp pháp lý có thể nói là “cực chẳng đã”. Không ai muốn mình rơi vào hoàn cảnh này để được hưởng trợ giúp. Vì vậy, giấy tờ thủ tục phức tạp có thể khiến nạn nhân không muốn đến tìm kiếm sự TGPL, rồi từ đó họ cũng không được sự bảo vệ của công lý, hưởng sự công bằng. 

Mặt khác, để nạn nhân BLGĐ có thể chứng minh là mình là nạn nhân BLGĐ rất khó vì không phải tất cả những vụ việc này đều có người làm chứng. Vì vậy, nếu yêu cầu giấy tờ chứng minh thì có nghĩa nạn nhân phải nêu được bằng chứng chứng minh, bằng chứng thì phải có người làm chứng,.... cứ như vậy cái này làm khó cái kia dẫn đến hiệu quả của pháp luật giảm.

“Mục đích thành lập ra những cơ sở trợ giúp pháp lý là để hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là người dân có hoàn cảnh đặc biệt. Và tâm lý chung của những người này là mặc cảm, xấu hổ,... và ngại đến cơ quan, trụ sở cho dù đó là cơ sở TGPL. Việc cung cấp giấy tờ chứng minh có nghĩa họ phải làm đơn, xin xác minh của các cơ quan,....điều này dẫn đến họ phải từ bỏ sử dụng dịch vụ mặc dù có nhu cầu.

Nên chăng, đối với nạn nhân BLGĐ nên  xác định và phân loại nạn nhân thông qua lời khai của nạn nhân; tình trạng sức khỏe thể chất, tinh thần của nạn nhân; xác định danh tính, địa chỉ theo hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện tại (nếu địa chỉ thường trú khác với nơi ở hiện tại) của nạn nhân thông qua lời khai và giấy tờ tùy thân. (cơ sở TGPL có thể liên hệ về địa phương nơi nạn nhân khai báo có hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện tại để xác minh thông tin nếu cần)” – một cán bộ gia đình ở địa phương bày tỏ quan điểm.  

Nạn nhân của bạo lực gia đình, đặc biệt phụ nữ, được Chính phủ nhìn nhận là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Được biết, trước đây từ năm 2005 trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam 2005 – 2009” cùng với một số đối tượng khác, phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ cũng đã chính thức được hưởng TGPL miễn phí.

Theo số liệu thống kê tại 5 tỉnh thực hiện thí điểm lồng ghép giới, thì trong tổng số vụ việc TGPL hàng năm, có trên 30% đối tượng TGPL là phụ nữ bị bạo hành, phụ nữ nghèo trong các vụ án ly hôn, tranh chấp dân sự, phụ nữ bị xâm hại tình dục hoặc là đại diện hợp pháp của trẻ em bị xâm hại tình dục…

Như vậy có thể nói là nhu cầu được TGPL của nạn nhân BLGĐ là rất cao. Điều này cho thấy cần thiết phải có những quy định pháp luật tạo điều kiện để nạn nhân BLGĐ, nhất là phụ nữ được tiếp cận với sự bảo vệ của chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Đọc thêm