Cụ thể, tấm Huy chương Bạc do công của cặp xạ thủ: Trịnh Thu Vinh và Phạm Quang Huy nội dung 10m súng ngắn đôi nam nữ, 2 Huy chương Bạc lần lượt thuộc về bộ ba Hà Minh Thành, Phan Xuân Chuyên, Vũ Tiến Nam nội dung 25m súng ngắn bắn nhanh và 25m súng ngắn tiêu chuẩn đồng đội nam. Đặc biệt, tấm vé tham dự Olympic Paris 2024 thuộc về nữ xạ thủ trẻ Lê Thị Mộng Tuyền - nội dung súng trường hơi 10m nữ. Đây cũng là tấm vé thứ hai của Bắn súng Việt Nam tới Olympic (tấm vé đầu tiên thuộc về nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh - 10m súng ngắn) và là tấm vé thứ 4 của Thể thao Việt Nam trên hành trình giành vé đến kỳ thế vận hội mùa hè năm 2024 tại Pháp.
Kể từ sau tấm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại Olympic Rio năm 2016 của cựu xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Bắn súng Việt Nam khá nhọc nhằn trên con đường chinh phục đỉnh cao thành tích ở các sân chơi quốc tế sau đó. Và cũng chính trong quãng thời gian này, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, bộ môn Bắn súng, Cục Thể dục thể thao đã gấp rút xây dựng kế hoạch tập trung tuyển chọn, đào tạo lực lượng vận động viên (VĐV) trẻ kế cận thay cho đội ngũ VĐV kỳ cựu đã có dấu hiệu thành tích chững lại. Đúng như kế hoạch, sau 1 thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, Bắn súng Việt Nam đã thu được những “trái ngọt” đến từ các gương mặt VĐV trẻ.
Tiêu biểu, sau Trịnh Thu Vinh, Bắn súng Việt Nam đã có thêm một vé đến Olympic đến từ xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền. Trong hai năm qua, nữ xạ thủ mới chỉ thi đấu trong hệ thống các giải trẻ của Bắn súng Việt Nam. Song với tố chất và tài năng, Mộng Tuyền đã từng bước khẳng định trình độ chuyên môn của mình khi thi đấu dưới màu áo đội tuyển quốc gia. Những trải nghiệm được Mộng Tuyền tích lũy trong thời gian qua đã giúp cô sớm gặt hái thành công. Sự trưởng thành vượt bậc của Mộng Tuyền là tín hiệu tích cực, cho thấy Việt Nam đang có nhiều xạ thủ trẻ xuất sắc bên cạnh Trịnh Thu Vinh, Phạm Quang Huy.
Bắn súng Việt Nam là môn thể thao mang tính đặc thù, so với nhiều môn thể thao khác, VĐV theo đuổi môn thể thao này thường có tuổi nghề dài, với nguồn thu nhập ổn định. Họ có thể theo đuổi đam mê và lựa chọn sự nghiệp VĐV đỉnh cao thành 1 nghề cho mình. Đơn cử như nhà vô địch Olympic Rio Hoàng Xuân Vinh (tỏa sáng ở đấu trường Olympic khi tuổi đời đã ngoài 40). Xạ thủ kỳ cựu cũng có bề dày thành tích tại các đấu trường quốc tế và trong nước như Trần Quốc Cường đều đến với môn Bắn súng khi tuổi đời còn rất trẻ và gắn bó trong một thời gian dài với môn thể thao này đến khi gần 50 tuổi mới bắt đầu giải nghệ để trở về với công tác huấn luyện. Bên cạnh đó, chính sự rèn giũa, tỉ mỉ, tính kỷ luật cao, sự tập trung cao độ mà bộ môn thể thao này yêu cầu đã trui rèn bản lĩnh của mỗi xạ thủ không ngại khó khăn, vất vả, bình tĩnh, tự tin trong mọi tình huống.
Bắn súng là môn thể thao xung trận đầu tiên trong năm 2024 và trở thành môn giành Huy chương Vàng, tấm vé Olympic đầu tiên trong năm mới cho Thể thao Việt Nam. Thành công này không phải dễ dàng hay may mắn có được, mà nó đến từ sự tính toán, chuẩn bị rất chu đáo từ bộ môn Bắn súng, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cùng sự nỗ lực tuyệt vời từ thầy trò đội tuyển Bắn súng Việt Nam.