Tuyến container nội địa qua cảng Chân Mây bước đầu đã được hình thành trong một năm qua. Sự kiện ngày hôm nay là một dấu mốc mới, hứa hẹn mang lại nhiều thành quả lớn đối với kế hoạch phát triển tuyến container quốc tế. Hãng tàu Regional Container Lines đã thực hiện cam kết đưa tàu đến cảng Chân Mây, mở ra tuyến vận tải quốc tế chuyên chở hàng container từ Chân Mây đi các cảng tại Đông Nam Á, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Đông, Châu Phi và ngược lại nhằm đa dạng hóa dịch vụ logistic giúp hàng hóa của khu vực miền Trung - Việt Nam lưu thông thuận tiện và tiết kiệm chi phí hơn.
Phát biểu tại lễ đón chuyến tàu đầu tiên của hãng tàu Regional Container Lines cập cảng Chân Mây, bà Hồ Hoàng Thi, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cảng Chân Mây cho biết, với nhiệm vụ là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng cô, Ban lãnh đạo Công ty CP cảng Chân Mây luôn nổ lực điều hành Công ty thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đúng định hướng và chủ trương của các cấp quản lý, phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng và địa phương. Cảng Chân Mây cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để hãng tàu Regional Container Lines hoạt động hiệu quả tại cảng.
|
Tàu Isara Bhum của hãng tàu Regional Container Lines đã cập cảng Chân Mây vào chiều nay (14/12). |
Thuyền trưởng phụ trách tàu Isara Bhum, ông Peerawat Ratanamongkonkul gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà chức trách địa phương đã dành sự hỗ trợ vô giá để mang đến sự thành công cho chuyến cập cảng đầu tiên này. Hy vọng được tiếp tục hợp tác và nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thiết lập nhiều chương trình ưu đãi tốt hơn giúp giảm thiểu chi phí, tạo điều kiện để hãng tàu thực hiện các chuyến tàu cập cảng Chân Mây thường xuyên hơn.
“Là hãng tàu khu vực hàng đầu châu Á, RCL luôn nỗ lực mang dịch vụ của chúng tôi đến gần hơn với khách hàng. Chúng tôi không chỉ tin vào việc cung cấp các dịch vụ vượt trội mà còn mong muốn góp phần vào sự phát triển của các khu vực tiềm năng ở những quốc gia chúng tôi phục vụ.Tầm nhìn của chúng tôi rất rõ ràng – mang đến khách hàng các giải pháp tối ưu hơn về chi phí và tính hiệu quả. Chúng tôi mong muốn trở thành chất xúc tác cho sự phát triển của Huế, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển của khu vực”- ông Peerawat Ratanamongkonkul nhấn mạnh.
Theo Công ty cổ phần cảng Chân Mây, qua 01 năm triển khai dịch vụ hàng container cảng Chân Mây, đến nay cảng đã tiếp nhận và xếp dỡ cho 65 chuyến tàu container cập cảng (21 ngoại, 44 nội) với tổng sản lượng hàng thông qua cảng là 7.370 TEU. Công tác triển khai làm hàng đã diễn ra khá tốt và an toàn, trung bình mỗi tháng đón 4-5 chuyến tàu container cập cảng. Nguồn hàng container xuất nhập qua cảng Chân Mây khá đa dạng, ngoài các mặt hàng tại địa phương phổ biến như: bia, men frit, gạch men, thạch anh, gạo, vỏ lon, vật liệu xây dựng, bao bì (Thừa Thiên Huế)…, còn có một số nguồn hàng từ Quảng Trị (Cao su), Quảng Bình (Ván ép), từ Lào (cao su), Quảng Nam (nước giải khát)…
|
Cảng Chân Mây cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để hãng tàu Regional Container Lines hoạt động hiệu quả tại cảng |
Cảng Chân Mây đã không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị; hỗ trợ khách hàng 24/7 các dịch vụ tại cảng; ưu tiên sắp xếp bố trí cầu bến cho tàu container vào cầu ngay khi đến cảng. Năng suất xếp dỡ container tại cảng hiện tại cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của các hãng tàu. Trong quá trình triển khai dịch vụ hàng container, cảng Chân Mây luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho container và hàng hóa của khách hàng. Bên cạnh đó, cảng đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng để phục vụ khai thác hàng container như: Kho ngoại quan, bãi hàng container...
Những kết quả bước đầu đã cho thấy chính sách hỗ trợ của tỉnh Thừa Thiên Huế đang mang lại hiệu quả rất lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển cho cảng Chân Mây. Bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sang dịch vụ khai thác hàng container góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, các chính sách hỗ trợ của tỉnh còn là sự hỗ trợ kịp thời để động viên khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vượt qua thời kỳ khó khăn sau đại dịch, có thêm động lực để chuyển sang vận chuyển hàng hoá bằng container qua cảng, qua đó tạo sự cộng hưởng trong hoạt động của các doanh nghiệp và tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và cả nước bạn Lào, tạo động lực, diện mạo mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.