Đón cơ hội từ EVFTA: Thách thức nguồn nhân lực

(PLVN) - Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 50% doanh nghiệp (DN) cho rằng khó tuyển dụng lao động chất lượng cao, 85% DN khó khăn trong tuyển dụng nhân sự cấp cao, kỹ sư hàng đầu... Chất lượng nguồn nhân lực đang là điểm nghẽn lớn nhất để Việt Nam tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người lao động có lợi rất nhiều?

Ông Vũ Tiến Lộc đã ví việc EVFTA được phê chuẩn  là cơ hội vàng cho Việt Nam. Trong phát biểu đầu tiên sau khi EVFTA được công bố, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu, mà nền kinh tế Việt Nam là một mắt khâu, thì việc EVFTA được phê chuẩn, lại mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị này…”.

Nói về cơ hội cho người lao động (NLĐ), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định: “Chắc chắn, EVFTA có hiệu lực, NLĐ sẽ có lợi rất nhiều!”. Theo ông Hiểu, NLĐ sẽ có thêm việc làm, việc làm sẽ bền vững hơn, NLĐ sẽ có thu nhập cao hơn. 

Ở một góc độ khác, luân chuyển lao động giữa hai khu vực với nhau cũng sẽ được thực hiện nhất là với những tiêu chuẩn rất cao của EU thì NLĐ chắc chắn sẽ được làm việc trong một điều kiện an toàn hơn…

Tuy nhiên, trong rất nhiều thách thức, nổi lên là chất lượng nguồn nhân lực. EVFTA đặt các DN trước những cạnh tranh về nguồn lao động cũng như thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về chất lượng hàng hoá, dịch vụ của thị trường châu Âu.

“Chúng ta được thế giới đánh giá cao nguồn nhân lực đông đảo nhưng chi phí thấp và kèm theo chất lượng chưa cao. Điều kiện cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực của chúng ta còn hạn chế. Chính vì vậy, tôi nghĩ vấn đề cấp bách để chúng ta tận dụng được cơ hội hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực!”- Chủ tịch VCCI khẳng định.

Số liệu từ Khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI cho thấy, các DN FDI chia sẻ họ dễ dàng tiếp cận được với nguồn lao động phổ thông, tuy nhiên bức tranh không mấy tích cực khi DN muốn tìm kiếm lao động lành nghề, có kỹ năng cao như cán bộ kỹ thuật, giám sát và quản lý. Có tới 50% DN cho rằng khó tuyển dụng lao động chất lượng cao, 85% DN khó khăn trong tuyển dụng nhân sự cấp cao, kỹ sư hàng đầu...

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 

Theo Phó Chủ tịch TLĐLĐVN, giải quyết bài toán chất lượng nguồn nhân lực  đòi hỏi chính sách rất tổng thể, những chính sách quốc gia, chiến lược quốc gia. “Công đoàn kết nạp thành viên khi họ chính thức là người của DN, chúng tôi không tham gia vào quá trình trước đó của họ!” - ông Hiểu nói. 

Đại diện TLĐLĐVN cho rằng công đoàn cũng cần tham gia tích cực hơn đối với nhiệm vụ này thông qua việc công đoàn đã xây dựng đề án “Công đoàn đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, trong đó xây dựng những nhánh cụ thể. Ví dụ như tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với NLĐ, nâng cao trình độ nghề. Công đoàn tham gia động viên, khích lệ NLĐ trong thay đổi thói quen, tác phong công nghiệp, ý thức tuân thủ kỷ luật. Cùng với đó, công đoàn phát động phong trào thi đua của từng DN, tổ chức những lớp tập huấn nghề, hiểu biết tuân thủ pháp luật. 

“Những việc làm như vậy sẽ góp phần nâng cao trình độ NLĐ, nhất là trình độ tay nghề. Nhưng theo tôi cùng lúc chúng ta tham gia hai Hiệp định (EVFTA và EVIPA) thì sẽ cần phải điều chính chiến lược quốc gia về đào tạo nghề cũng như đổi mới về giáo dục…” - ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị.

Đồng tình với quan điểm này, TS Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng cần có nỗ lực đột phá hơn nữa trong lĩnh vực nghề nghiệp và giáo dục đại học nâng cao chất lượng nguồn lao động. Bởi theo ông, suy cho cùng đó chính là chìa khóa để chúng ta có thể bắt được cơ hội của quá trình hội nhập. 

“Muốn như vậy cần thực học, học mang tính thực hành cao. Thời gian học của các trường ĐH cần tính lại. Có cần đào tạo đến 4-5 năm hay không? Thời đại thay đổi thì nền giáo dục cũng phải thay đổi. Muốn phát triển thì giáo dục phải đi trước nên tôi cho rằng đầu tư cho giáo dục là vấn đề quan trọng!”- Chủ tịch VCCI khẳng định.

TS Lộc cũng lưu ý, mở cửa với thế giới quan trọng nhưng mở cửa trong nước còn quan trọng hơn, đó chính là tinh thần của cải cách và khi nâng cao được năng lực cạnh tranh thì chúng ta sẽ hội nhập thành công. 

“Chúng ta đã trải qua quãng đường gian nan với cả mồ hôi và nước mắt, đến ngày hôm nay chúng ta không phải thở phào là ký xong mà cần lo lắng, trăn trở làm sao thực hiện thành công mới là quan trọng!...” - Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

EVFTA được xem là một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với một phần nội dung cam kết về các tiêu chuẩn lao động và môi trường. Việt Nam và EU đã nhất trí về một chương trình hành động với các cam kết tái khẳng định việc tôn trọng, thúc đẩy hiệu quả bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), gồm: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của NLĐ, chấm dứt lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em và xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử trong lao động.

Đọc thêm