Dồn dập IPO, lo cảnh "chợ chiều" tái diễn

Sắp có thêm các công ty bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thông qua các Sở Giao dịch chứng khoán, đó là TCty Chăn nuôi VN (Vilico), TCty Mía đường I,II, Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng Nông nghiệp và Nông thôn Vietnam Airline,Vinatex…  Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay, nhiều nhà đầu tư tỏ vẻ lo ngại sẽ tái diễn cảnh "chợ chiều", bán không ai mua.
Sắp có thêm các công ty bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thông qua các Sở Giao dịch chứng khoán, đó là Tổng Công ty (TCty) Chăn nuôi VN (Vilico), TCty Mía đường I,II, TCty Cơ điện Xây dựng Nông nghiệp và Nông thôn Vietnam Airline,Vinatex…  
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay, nhiều nhà đầu tư tỏ vẻ lo ngại sẽ tái diễn cảnh chợ chiều, bán không ai mua.
 

Trong tháng 3, Vilico sẽ bán đấu giá công khai 26,69 triệu cổ phần, tương đương 34,9% vốn điều lệ. Mức giá khởi điểm của Vilico dự kiến là 10.100 đồng/cổ phần.

TCty Mía đường I,II (Vinasugar I), (Vinasugar II) cũng thực hiện IPO tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE). Theo phương án được phê duyệt, Vinasugar I sẽ phát hành lần đầu 60 triệu cổ phần, Vinasugar II phát hành 68,5 triệu cổ phần.

Ngoài ra, TCty Hàng không VN (Vietnam Airlines) đang rục rịch cho đợt IPO lớn của họ. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ IPO với tỉ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ là 65 - 75% (vốn điều lệ của TCty là 8.942 tỉ đồng). Theo kế hoạch, sau CPH, Vietnam Airlines có quy mô 1 Cty mẹ, 9 đơn vị phụ thuộc và 26 Cty con hạch toán độc lập.

Cuộc IPO khác được giới đầu tư mong đợi là của Vinatex. Vấn đề được dư luận quan tâm là Nhà nước có nắm giữ cổ phần chi phối hay không, đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin.

Theo lãnh đạo Vinatex, cổ tức của ngành dệt may là 12% - 15%/năm, cao hơn so với nhiều lĩnh vực khác. Nếu để vốn ở Vinatex vẫn có lợi thì không nhất thiết phải xã hội hóa. Hơn nữa, cũng cần có một số doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả để làm mẫu về quản trị, phương thức kinh doanh.

Nằm trong kế hoạch, tháng 9/2013, TCty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) cũng thực hiện IPO với tỉ lệ bán ra công chúng khoảng 20%. Hiện tại, phương án  CPH Viglacera đang chờ sự thẩm định của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính. Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) cũng lên kế hoạch tiến hành IPO vào tháng 6/2013, sau 2 năm lỗi hẹn với nhà đầu tư…

Theo nhận định của đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tín hiệu IPO của VNA và Vinatex rất tốt cho TTCK và sẽ tạo hàng hóa hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước, làm gia tăng lượng hàng vì bản thân trong các doanh nghiệp này, nhất là VNA, có một số ngành hàng tốt (như cung ứng xăng dầu, suất ăn trên máy bay...).

Rõ ràng, năm 2013 sau nhiều lần lỗi hẹn IPO, nhiều tập đoàn, TCty nhà nước đang rục rịch chào bán, đấu giá cổ phiếu theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo nhiều chuyên gia, việc IPO trong bối cảnh  TTCK ảm đạm cùng hàng loạt lý do khác khiến nhiều “ông lớn” chẳng mặn mà với việc IPO này. 

Còn nhớ, Tập đoàn Than- khoáng sản VN (Vinacomin) năm 2012  khi có kế  hoạch chào bán toàn bộ 5 triệu cổ phần tại Cty CP Bảo hiểm hàng không, với mức giá 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên, thời điểm này nhà đầu tư “cạn vốn” và quan trọng hơn cả là mất niềm tin, nên kế hoạch chào bán cổ phần của Vinacomin bất thành. 

Cũng trong năm 2012, TCty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) 5 lần đăng kí bán toàn bộ 1,54 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,67%) tại Cty chứng khoán Hòa Bình (HBS). Tuy nhiên, Handico mới chỉ bán được 289.900 cổ phiếu. 

Giá rất rẻ nhưng cổ phiếu vẫn ế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tế nhị khi hầu hết DN khi IPO đều không muốn công bố các nhà đầu tư chiến lược.

Từ thực tiễn triển khai Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành Cty cổ phần đã bộc lộ một số bất cập, liên quan đến hai vấn đề lớn gồm: xử lý đất đai trong quá trình xác định giá trị DN và cơ chế thu hút cổ đông chiến lược.
Dự thảo Nghị định mới sẽ bám sát về vấn đề thu hút cổ đông chiến lược, nhằm  tạo thuận lợi  tối đa cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia các DN có hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tiềm năng phát triển tốt, nhưng không nằm trong danh mục Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định đưa ra các quy định trong việc xác định lợi thế vị trí đất trong giá trị DN; quy định Nhà nước sẽ nắm từ 75% đến dưới 100%, từ 65% đến dưới 75% và trên 50% cổ phần tại các DN, tùy theo quy mô, ngành nghề; chuyển một số DN thuộc diện Nhà nước nắm trên 50% cổ phần thành loại nắm trên 25% hoặc trên 35% cổ phần nhằm đảm bảo phải có sự biểu quyết tán thành của Nhà nước mới thông qua được một số hoặc tất cả các quyết định quan trọng thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ, HĐTV... 

Q.Huy

Đọc thêm