Đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe hậu đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thừa tài nguyên nhưng thiếu dịch vụ là hạn chế mà du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đang gặp phải. Các hoạt động chính hiện nay vẫn đơn giản chỉ là tắm khoáng, tắm bùn, spa…, trong khi du khách cần nhiều hơn thế…
Dồi dào tiềm năng nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác xứng tầm để phục vụ sự phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe.
Dồi dào tiềm năng nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác xứng tầm để phục vụ sự phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe.

Nhu cầu lớn về du lịch chăm sóc sức khỏe

Biết tin Hà Nội nối lại hoạt động xe khách liên tỉnh đến 7 tỉnh khu vực phía Bắc, gia đình chị Nguyễn Thuý Hà (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tìm kiếm thông tin về các tour du lịch nghỉ dưỡng vào cuối tuần, dự kiến đi vào cuối tháng 11. Chị và con gái quan tâm đến dịch vụ du lịch kết hợp yoga và thiền nhưng hiện chưa tìm được địa điểm tốt, chuẩn về cơ sở vật chất, giá cả phù hợp.

Không chỉ riêng gia đình chị Hà, hiện nay, rất nhiều người dân đều đang tìm kiếm những tour nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Theo cuộc khảo sát của Hiệp hội Du lịch Chăm sóc Sức khỏe (WTA) với 2.500 người trả lời từ 52 quốc gia trên thế giới, có 84% người được hỏi cho biết họ sẽ tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe khi đi du lịch và 61% báo cáo rằng họ hiện đang lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ chăm sóc sức khỏe.

Tại Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng du lịch chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được khai thác tốt để phát triển. Với lợi thế là đất nước nhiệt đới, Việt Nam có nhiều cây dược liệu quý giá, là nguyên liệu tốt để phát triển dịch vụ tắm dược liệu. Hiện nay, Sa Pa đã triển khai hoạt động này, khách du lịch được trải nghiệm tắm thuốc lá của người Dao đỏ, công dụng phục hồi sức khỏe, thư giãn, hạn chế ho, viêm họng, đau xương khớp trong những ngày mùa đông.

Bên cạnh tắm dược liệu, nguồn nước khoáng tự nhiên cũng là tài nguyên được khai thác cho hoạt động du lịch nhiều năm nay. Hiện nay đã có nhiều nguồn suối nước khoáng nóng ở Việt Nam được các nhà đầu tư lớn đầu tư khai thác như: Khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm - Tuyên Quang được tập đoàn Vinpearl đầu tư, khu du lịch suối khoáng nóng Quang Hanh - Quảng Ninh do Tập đoàn SunGroup đầu tư, Thanh Thủy (Phú Thọ) được Tập đoàn YoKo khai thác theo mô hình Onsen của Nhật Bản… Cùng với đó, các dịch vụ khác như tắm bùn, spa… cũng rất được lòng khách du lịch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì hạn chế chung của du lịch chăm sóc sức khỏe tại nước ta hiện nay là thừa địa điểm nhưng thiếu dịch vụ. Đa phần hoạt động chăm sóc sức khoẻ tập trung vào tắm khoáng, spa, yoga… Các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho từng đối tượng riêng biệt như người già hay bệnh nhân đã khỏi Covid-19 cũng nổi bật. Chẳng hạn, dù nổi bật với nguồn dược liệu quý và tốt nhưng tắm dược liệu cũng là mảng mà du lịch chăm sóc khỏe còn bỏ ngỏ, chưa được nhiều đơn vị đưa vào khai thác. Nhiều doanh nghiệp chưa tập trung khai thác các sản phẩm đặc thù, phần lớn mới chỉ gắn vào hành trình nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Cùng với đó, hoạt động truyền thông, quảng bá chưa thật sự hiệu quả để mang lại thương hiệu cho du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam.

Đón đầu xu hướng

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tuy du lịch chăm sóc sức khỏe đã đạt được nhiều thành công nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà chúng ta có. Các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe còn ít, chưa đa dạng. Chúng ta chưa có nhiều cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách du lịch, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao. Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe như spa và tắm nước khoáng, nước nóng tắm bùn, thiền, yoga, làm đẹp... vẫn ở quy mô nhỏ, nhân lực hạn chế, có cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.

Nhìn ra những quốc gia phát triển du lịch ở châu Á, du lịch chăm sóc sức khỏe đã nở rộ, phát triển từ rất sớm và đến nay đã rất phổ biến. Chẳng hạn, Thái Lan có tour du lịch khám chữa bệnh, Trung Quốc có hình thức tắm suối khoáng nóng cho đối tượng người trung niên, cao tuổi,…

Với lợi thế là sự đa dạng tài nguyên, du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ là thị trường “màu mỡ” cho các doanh nghiệp du lịch phát triển trong thời gian tới - khi dịch covid-19 đã được kiểm soát. Khai thác tốt tiềm năng du lịch chăm sóc sức khỏe cũng là cơ hội để đưa văn hoá bản địa hoà quyện vào du lịch, mang lại trải nghiệm độc bản của từng vùng miền. Sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe cũng rất phù hợp làm sản phẩm bổ trợ cho các sản phẩm du lịch đặc thù của Việt Nam, để làm phong phú thêm trải nghiệm của khách du lịch tại Việt Nam.

Theo ý kiến của các chuyên gia, thời gian tới, ngành du lịch cần phối hợp với ngành Y tế đưa ra những sản phẩm đa dạng, đặc thù và phù hợp với nhu cầu du lịch của người Việt Nam. Cùng với đó, các đơn vị cũng cần chú trọng hơn việc đa dạng, nâng cấp chất lượng của loại hình dịch vụ này, mở rộng đối tượng khách du lịch cả trong nước và quốc tế khi được phép đón khách trở lại.

Tại Hội thảo trực tuyến “Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức đầu tháng 10/2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương nhận định: “Hoạt động du lịch gắn với tăng cường chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm trên toàn cầu. Nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cùng các loại dịch bệnh gia tăng khiến con người ngày càng chủ động chăm sóc sức khỏe, giải tỏa căng thẳng. Điều này khiến thị trường chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển, cùng với đó là du lịch chăm sóc sức khỏe”.

Đọc thêm