'GỠ VƯỚNG' PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU

Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp cá ngừ cần 'trợ lực'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thị trường nhập khẩu lao dốc, giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao chạm đỉnh, chi phí sản xuất cũng tăng… khiến cho đa phần doanh nghiệp cá ngừ đều đang hoạt động cầm chừng và rất cần sự tiếp sức từ Nhà nước.
Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang đối mặt với nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang đối mặt với nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao chạm đỉnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), liên tục từ đầu năm, sản lượng đánh bắt cá ngừ tại các vùng biển vẫn ở mức thấp khiến cho nguồn cung nguyên liệu giảm. Điều này đã đẩy giá cá ngừ vằn lên mức đỉnh.

Giá cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh cỡ >1,8kg tại Bangkok sau khi giảm nhẹ từ mức 1.750 USD/tấn xuống còn 1.700 USD/tấn, đã ổn định trong tháng 2. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt tại các vùng biển thấp đã khiến lượng cá ngừ vằn cập cảng Bangkok ngày càng giảm. Giá cá ngừ cũng vì thế mà ngày càng tăng cao liên tục.

Giá cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh cỡ >1,8kg tại Bangkok đã tăng lên mức 2.050 USD/tấn trong tháng 5, tăng gần 21% chỉ trong 3 tháng, và tăng 8% so với cùng kỳ. Đây là mức giá cao nhất trong 5 năm qua.

Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh

Trong tháng 4/2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tháng này chỉ đạt 67 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 33%, đạt gần 248 triệu USD.

Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường truyền thống đều giảm trong tháng 4. Bên cạnh đó, một số thị mới vẫn tăng mạnh như Israel tăng 49%, Thái Lan và Nga có cùng mức tăng 486%.

Thị trường Mỹ vẫn tiếp tục giảm sâu. Bức tranh kinh tế Mỹ đang ngày càng xấu, và người tiêu dùng đang trở nên thận trọng hơn. Người dân Mỹ đang dần cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, họ mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn.

Theo đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục giảm sâu 60% trong tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này giảm 55%, đạt gần 90 triệu USD. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ từ mức 55% trong 4 tháng đầu năm 2022 đã giảm xuống còn 36% trong cùng kỳ năm nay.

Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU sau khi tăng nhẹ 5% trong tháng 3 đã đảo chiều trong tháng 4. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này trong tháng 4 chỉ đạt gần 11 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm 9%, đạt hơn 48 triệu USD.

Tại khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Nhật Bản sau khi tăng trưởng nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam liên tục trong 3 tháng đầu năm, đã sụt giảm 25% tháng tháng 4. Trong khi đó, trong tháng 4 xuất khẩu cá ngừ sang Mexico lại tăng “phi mã” 117% và xuất sang Chile tăng 78% so với cùng kỳ năm 2022.

VASEP cho rằng, thị trường xuất khẩu ảm đạm đang khiến doanh nghiệp gặp khó cả về việc tìm kiếm đơn hàng và vốn mua nguyên liệu của ngư dân để dự trữ. Để giữ chân lao động và tiêu thụ cá ngừ cho ngư dân, doanh nghiệp vẫn cố duy trì sản xuất qua việc gia tăng sản xuất cá ngừ chế biến, đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để bù lại các thị trường chính bị giảm sút.

Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, khiến cho lượng tồn kho tăng cao. Thêm vào đó, chi phí đầu vào tăng… đang khiến cho đa phần doanh nghiệp đều đang hoạt động cầm chừng và rất cần sự tiếp sức từ Nhà nước.