Xuất khẩu cá ngừ sang Anh khó phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng 9/2022, xuất khẩu cá ngừ sang Anh có sự tăng trưởng mạnh trở lại. Tuy nhiên với tình hình lạm phát và chính trị bất ổn như hiện nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh vẫn khó có thể phục hồi.
Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Anh trong tháng 9/2022 tăng 162% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: VASEP
Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Anh trong tháng 9/2022 tăng 162% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: VASEP

Sau nhiều tháng sụt giảm liên tục, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh đã tăng trưởng mạnh trở lại trong tháng 9/2022. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 9 tăng 162% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, con số này không đủ bù đắp cho lượng sụt giảm trước đó, nên kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong 9 tháng đầu năm 2022 vẫn giảm 28% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 3,4 triệu USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), kể từ năm 2021 đến nay, do tác động của Brexit và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh không ổn định và có xu hướng sụt giảm, chỉ đạt gần 9,3 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2022, tác động kép của đại dịch COVID-19, cộng với tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tác động tới nền kinh tế Anh. Lạm phát tại Anh tăng lên mức cao kỷ lục trong 40 năm qua và gần như cao nhất ở các nước châu Âu. Giá thực phẩm và đồ uống không cồn là tăng nhiều nhất, tới 14,5% và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/1980. Đồng bảng Anh đã giảm xuống 1,13 USD đổi một bảng.

Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ thuộc VASEP, điều này đã khiến cho ngành dịch vụ thực phẩm tại Anh bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là lĩnh vực đồ ăn nhanh, bởi tình trạng thiếu lao động và giá hàng hoá tăng cao.

Tại Anh, cá ngừ là một loại thực phẩm được sử dụng chủ yếu trong các món ăn nhanh, như bánh mì kẹp, hay trong nhiều bữa ăn khi đi du lịch. Hiện tại, sự thiếu hụt lao động trong ngành dịch vụ thực phẩm của Anh và lĩnh vực đồ ăn nhanh như bánh mì kẹp sử dụng nhiều lao động đã bị ảnh hưởng. Nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng. Điều này đã khiến cho nhập khẩu cá ngừ của Anh sụt giảm.

Nhập khẩu cá ngừ của Anh tính đến hết tháng 7/2022 đã giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 13 trong số 27 nguồn cung cá ngừ cho thị trường này. Trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, Anh có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ từ các nguồn cung đang được miễn thuế khi nhập khẩu, các nguồn cung cá ngừ giá rẻ và có lợi thế về mặt địa lý như Ecuador, Philippines…

Về lợi thế thuế quan, thì hiệp định FTA giữa Vương quốc Anh với Việt Nam có cơ chế tiếp nối hiệp định EVFTA với EU, nghĩa là mức thuế đối với các loại sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh sẽ nhanh chóng được loại bỏ. Mức thuế cho sản phẩm cá ngừ loin đông lạnh hoặc phi lê sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 3 năm từ mức 18% về 0%.

"Với thoả thuận này, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam cũng đang có lợi thế tại thị trường Anh. Tuy nhiên với tình hình lạm phát và tình hình chính trị bất ổn như hiện nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh vẫn khó có thể phục hồi", chuyên gia thị trường cá ngừ nhận định.

Đọc thêm