Từng bước vận hành trở lại
Sau khi bão số 3 đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tại “tâm bão” Quảng Ninh, Hải Phòng và TP Hà Nội, hệ thống giao thông tại nhiều tuyến đường trở nên “tê liệt” do cây xanh, cột điện đổ ngổn ngang, các tấm tôn, biển quảng cáo bị thổi bay xuống đường.
Tại TP Hà Nội, tình trạng giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng với hàng loạt sự cố: cây xanh gãy đổ khắp các tuyến phố và khu đô thị, gần 17.000 cây xanh bị hư hại, hơn 270 nhà dân và công trình bị tốc mái, 4 nhà mái tôn bị sập, gần 1.000m tường bao bị đổ, 19 công trình nhà ở cùng nhiều ô tô và xe máy cũng bị hư hỏng nặng. Mặc dù ngay đêm 7/9 và rạng sáng 8/9, sau khi siêu bão quét qua Thủ đô, lực lượng chức năng đã chủ động dọn dẹp hiện trường xuyên đêm, nhưng do số cây gãy đổ quá nhiều, đường phố Hà Nội vẫn ngổn ngang, giao thông ùn tắc.
Sở Giao thông vận tải và Công an TP Hà Nội huy động 100% lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng hướng dẫn, phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông khắc phục các sự cố cây đổ ra đường trả lại mặt đường cho các phương tiện tham gia giao thông tại các khu vực xảy ra đổ cây và úng ngập.
Còn tại Quảng Ninh, Hải Phòng, một trong những địa phương chịu nhiều tác động mạnh nhất bởi cơn bão, giao thông gần như “tê liệt” hoàn toàn, cây cối, biển báo giao thông đổ rạp, những trường học, mái nhà tốc mái, đổ sập.
Trước tình hình trên, ngay trong ngày 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có mặt tại các tỉnh, thành Hải Phòng, Quảng Ninh để kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Cùng ngày, lãnh đạo hai địa phương đã họp khẩn với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp khắc phục sự cố do bão, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định cuộc sống của người dân... Theo đó, các lực lượng huy động tổng lực thực hiện thu gom rác thải, phục hồi cây xanh bị gãy đổ tại các tuyến đường giao thông để bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là các tuyến giao thông kết nối giữa các địa phương.
Cần hoàn thiện “kịch bản” ứng phó thiên tai
Có thể thấy, dù công tác dự báo và phòng, chống bão đã được triển khai sớm và toàn diện ở nhiều địa phương, nhưng sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Đặc biệt, hệ thống giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến cho giao thông hỗn loạn, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người dân.
Tại TP Hà Nội, với vị trí nằm sâu trong lục địa và ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão tố đã gặp khó khăn trong việc ứng phó với cơn bão số 3 vừa qua. Thiếu kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai đã dẫn đến những thiệt hại nặng nề về vật chất, môi trường và con người cho thành phố. Thực tế này cho thấy Hà Nội cần xây dựng một kịch bản giao thông chủ động và hiệu quả hơn để ứng phó với thiên tai và các sự cố bất ngờ.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, điều cấp thiết hiện nay là TP Hà Nội cần xây dựng một kịch bản ứng phó toàn diện, trong đó quy định rõ ràng các hành động cần thực hiện và các việc cần tránh đối với người dân, các cơ quan, công sở, nhà máy, trường học,… trong các tình huống cụ thể liên quan đến thiên tai và các sự cố khẩn cấp.
Đồng thời, cơ quan đầu não chỉ huy những hành động trong cơn bão số 3 vừa qua tại Hà Nội là Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố cần được tham mưu đầy đủ từ các đơn vị trực thuộc. Như với vấn đề giao thông, Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội cần chủ động nắm bắt thông tin về bão, đề xuất kế hoạch bảo đảm không chỉ trật tự mà còn phải an toàn cho thành phố. Chiều ngày 6/9, nếu Hà Nội có kế hoạch cụ thể, CSGT có thể đề xuất cho các cơ quan và trường học cho nghỉ từ trưa 6/9 để giảm tình trạng ùn tắc và nguy hiểm khi di chuyển trong mưa bão. Việc này giúp phân bổ lượng phương tiện, giảm áp lực cho hạ tầng và giúp CSGT dễ dàng quản lý tình hình giao thông.
Bên cạnh việc CSGT nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng kịch bản lưu thông phù hợp cho các tình huống khẩn cấp, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần xây dựng kế hoạch dự phòng cho thiên tai. Như việc chuẩn bị phương tiện công cộng sẵn sàng phục vụ người dân ngay khi cần thiết và khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, tàu điện… để về nhà. Có thể tăng tần suất xe, kéo dài thời gian phục vụ, miễn hoặc giảm phí để người dân có thêm sự lựa chọn đi lại khi mưa bão.